Với môn Ngữ văn, nữ sinh chia sẻ phải đọc kỹ tác phẩm, gạch ý để phân tích. Với môn Sử, khi học xong một bài Bảo cố gắng ghi nhớ những mốc lịch sử là gì, câu chuyện thế nào để từ đó móc xích với bài tiếp theo
Từ trưa 14/7, Hoàng Thị Thái Bảo (cựu học sinh trường THPT chuyên Phan Bội Châu, Nghệ An) liên tục nhận điện thoại chúc mừng từ người thân, thầy cô và bạn bè về thành tích điểm khối C cao nhất cả nước kỳ thi THPT quốc gia. Môn Ngữ văn của em đạt 9,25; Địa lý và Lịch sử mỗi môn 9,75, tổng điểm 28,75.
Hoàng Thị Thái Bảo chụp ảnh trong lễ tốt nghiệp THPT. Ảnh: Vnexpress |
"Em bất ngờ về tổng điểm và vị trí thủ khoa khối C cả nước, bởi lúc thi xong tự chấm chỉ được 27,5 đến 28. Tưởng điểm chưa chính xác, em dùng một máy tính khác và một địa chỉ truy cập nơi khác để đối chiếu", Bảo cười nói với PV của Vnexpress.
Với số điểm đạt được, Hoàng Thị Thái Bảo dự định nộp hồ sơ vào khoa Ngữ văn của ĐH Sư phạm Hà Nội. Đó cũng là mục tiêu cô nữ sinh theo đuổi từ lâu.
Chia sẻ về bí quyết học tập để có được thành tích hiện tại, nữ sinh trường chuyên Phan Bội Châu cho rằng ai cũng có cách học riêng, những "tip" của cô có thể không giống với người khác.
"Quan điểm của mình là không học vội, học gấp dồn kiến thức một lúc. Có nhiều người sẽ sợ người khác học hơn mình mà vồ vập, chạy đuổi cho bằng kịp. Tuy nhiên, mình thấy cách học đó thiếu hiệu quả, lại khiến bản thân căng thẳng", Thái Bảo nói với Zing.vn.
Chuyển khối muộn so với các bạn (cuối lớp 10), song nữ sinh không quá áp lực. Ngoài thời gian lên lớp để học các môn theo quy định, Bảo tự chia thời gian biểu một cách linh hoạt. Có những chủ nhật sáng em học Văn, chiều học Sử và ban đêm học Địa; hoặc có những ngày chỉ học một môn nếu thấy cần và có hứng thú.
Bảo không học thuộc lòng máy móc các số liệu trong sách. Với môn Sử, khi học xong một bài em cố gắng ghi nhớ những mốc lịch sử là gì, câu chuyện thế nào để từ đó móc xích với bài tiếp theo, hoặc bài trước đó để thành chuỗi kiến thức. Bảo rất thích xem phim tài liệu về chiến tranh trong nước và thế giới.
Với môn Ngữ văn, nữ sinh chia sẻ phải đọc kỹ tác phẩm, gạch ý để phân tích. Cách gây cảm hứng là "cả nghĩ cả viết chứ không phải đọc thuộc".
Năm lớp 11, Hoàng Thị Thái Bảo đạt giải 3 học sinh giỏi tỉnh môn Ngữ văn, nhưng cô tiếc nuối khi không có duyên với đội tuyển quốc gia.
Để đảm bảo sức khỏe, nữ sinh Nghệ An dành nhiều thời gian giải trí và nghỉ ngơi. Có năng khiếu múa hát nên ở trường em thường tham gia vào các buổi biểu diễn văn nghệ. Năm lớp 11, nữ sinh đạt giải nhất môn đá cầu đơn nữ và đôi nam - nữ trong một cuộc thi cấp thành phố.
Nữ sinh trường chuyên ưa thích các hoạt động nhảy múa và thể thao để giải tỏa căng thẳng. Ảnh: Tri thức trực tuyến |
Nhóm nhảy của Thái Bảo từng đạt giải nhất cuộc thi Showcase 7 tổ chức ở thành phố Vinh.
Cô chia sẻ bộ môn này giúp mình giải tỏa căng thẳng sau những giờ học và giúp rèn sức khỏe, sự năng động.
Bà Nguyễn Thị Thanh Hương (mẹ nữ sinh) tâm sự, Bảo là con gái thứ hai trong gia đình có ba chị em. Từ bé, con gái luôn thể hiện sự chỉn chu và ham học hỏi, rất ít khi bố mẹ phải bận tâm hay gây sức ép trong học tập mà luôn cố gắng tạo tâm lý thoải mái cho con.
"Có những lúc thấy con học nhiều giờ liền, tôi lại bảo hay đạp xe ra công viên đi dạo, hít thở không khí để thư giãn mắt", bà Hương nói.
Cô Ngô Thị Thu Hiền, giáo viên chủ nhiệm lớp 12C1 trường Chuyên Phan Bội Châu, nhận xét Bảo thông minh, đa tài, năm lớp 11 từng đạt giải ba học sinh giỏi môn Văn cấp tỉnh.
"Là phó bí thư lớp, Bảo có thể tự dàn dựng các tiết mục văn nghệ. Tham gia nhiều hoạt động xã hội nên em được kết nạp Đảng khi đang học lớp 12", cô Hiền nói.
Minh Khôi (T/h)