Vượt ngục trong thùng bưu phẩm
Richard Lee McNair vượt ngục trong thùng bưu phẩm. Ảnh minh họa: Listverse |
Năm 1987, trong quá trình đánh cắp một máy hút lúa ở thành phố Minot, bang North Dakota, Mỹ, Richard Lee McNair, 29 tuổi ở bang Oklahoma, bắn một công nhân tình cờ xuất hiện ở đó. Hắn bỏ chạy và bắn chết một công nhân khác. Vài giờ sau, cảnh sát bắt McNair vì tội giết người, âm mưu giết người và trộm cắp, theo Murderpedia.
Ngay khi bị bắt, hắn thoa son dưỡng môi lên còng tay và tẩu thoát. Sau nhiều tháng truy nã kẻ sát nhân khắp thành phố Minot, cảnh sát tóm hắn và đưa đến nhà tù bang North Dakota. Năm 1992, McNair bò qua ống thông gió trong trại giam và tiếp tục chạy trốn. 9 tháng sau, cảnh sát bắt hắn và tống vào nhà tù liên bang.
10 năm tiếp theo, họ chuyển tội phạm qua các nhà tù an ninh nghiêm ngặt. Năm 2006, sau một thời gian ngắn ở trại giam Pollock, bang Louisiana, Richard Lee McNair tìm thấy cơ hội vượt ngục khi làm nhiệm vụ sửa chữa các túi bưu phẩm rách. Hắn lên kế hoạch chạy trốn trong nhiều tháng.
Ngày 5/4, tên tù cuộn tròn mình trong một thùng bưu phẩm tự làm đặt trên một tấm nâng hàng. Người ta chuyển tấm nâng hàng đến nhà kho gần đó. McNair nằm trong thùng trong nhiều giờ, hít thở bằng một ống nhỏ đâm xuyên qua tấm nâng hàng. Khi lính canh kho đi ăn trưa, hắn thoát khỏi thùng và đi bộ ra hỏi nhà kho.
Trong vòng một năm, kẻ đào tẩu chạm trán cảnh sát nhiều lần nhưng vẫn chạy thoát. Thậm chí có lần, hắn chạy vòng tròn xung quanh một viên cảnh sát và bỏ trốn thành công, Cracked đưa tin.
Trốn thoát với một quả đào
Michel Vaujour dùng một quả đào giả làm lựu đạn và vượt ngục thành công. Ảnh minh họa: Listverse |
Khi Michel Vaujour, Pháp, nhận án tù 27 năm vì tội cướp ngân hàng, vợ hắn, Nadine Vaujour, bắt đầu học lái trực thăng. Năm 1986, Nadine lập kế hoạch táo bạo và tinh vi nhằm giải cứu Michel khỏi La Sante, nhà tù dành cho tội phạm nguy hiểm ở thủ đô Paris.
Vài phút trước khi trực thăng đến, Michel xoay xở vượt qua lính canh, leo lên mái nhà tù bằng một khẩu súng giả và một quả đào trông giống lựu đạn, CNN đưa tin.
Vợ hắn cho trực thăng bay sát mái nhà trong khi một tay súng nhảy ra, bắn vào các lính canh gần đó. Michel và tay súng bám vào càng trực thăng. Cả 3 tẩu thoát. Chiếc trực thăng hạ cánh xuống một sân bóng gần đó. Chúng chạy trốn trên một chiếc xe chờ sẵn.
Vài tháng sau, Michel Vaujour trúng đạn ở đầu trong một vụ cướp ngân hàng khác. Cảnh sát đưa hắn đến bệnh viện. Sau đó, Michel vào tù, hoàn thành nốt bản án trước đó. Năm 2003, tên cướp ra tù sau 27 năm.
Tù binh đào hầm trốn ngục
Tù binh người Australia đào hầm vượt ngục. Ảnh: Australian War Memorial |
Ngày 28/3/1918, đội tuần tra Đức bắt Trung úy Cecil Molle Feez, Australia, và giam ông vào trại tù binh Landshut ở bang Bavaria. Tại đây, Feez hợp tác cùng một tù binh khác, Trung úy Oscar Thomas Flight, trong một kế hoạch đơn giản và nguy hiểm: Đào hầm chạy trốn.
Trong gần nửa năm, hai người dùng thìa và dĩa cẩn thận đào hầm trong phòng giam. Để có thể vượt qua hàng rào trại giam, họ phải đào một đường hầm dài 30 mét với khối lượng đất bụi khổng lồ cần xử lý. Feez và Flight thay phiên nhau bỏ đất bụi vào túi quần sau đó đi dạo để chúng rơi. Vào mùa thu năm 1918, đường hầm gần hoàn thành.
Thật không may, hai tù binh thất bại. Ngày 8/9, quân Đức kiểm tra phòng giam của Flight. Có thể ai đó đã tiết lộ kế hoạch. Chúng phát hiện đường hầm, tống Feez và Flight vào phòng biệt giam trong 11 ngày. Hai người tiếp tục sống trong trại tù binh Landshut cho đến khi Chiến tranh Thế giới thứ nhất kết thúc, theo Australian War Memorial.
Tù nhân cướp trực thăng vượt ngục
Đồng bọn của Rodney James Leonard cướp trực thăng, cứu hắn khỏi tù. Ảnh minh họa: Listverse |
Năm 1985, Rodney James Leonard, 20 tuổi, thụ án chung thân vì tội giết người tại một nhà tù ở bang South Carolina, Mỹ. Cuối cùng, hắn trốn thoát khỏi nhà tù, điều tưởng chừng không thể.
Ngày 19/12, một phụ nữ trẻ tên Joyce Mattox thuê chiếc trực thăng nhỏ Hughes 300-C ở sân bay gần trại giam. Khi máy bay cất cánh, Mattox rút súng buộc phi công bay đến nhà tù. Lúc đó, khoảng 200 tù nhân đang đi dạo trong sân tù. Khi máy bay tiếp cận, 5 tên lao đến.
Tuy nhiên, chiếc trực thăng chỉ chở tối đa 3 người. Leonard đẩy hai tên ra và leo lên trực thăng cùng Jesse Smith và William Ballew, hai kẻ vào tù vì tội cướp có vũ trang.
Phi công cố gắng điều khiển chiếc máy bay quá tải. Cảnh sát bắn một loạt đạn vào những kẻ vượt ngục. Mattox bắn trả, giúp họ thoát ra ngoài hàng rào nhà tù.
Ba tù nhân trốn thoát, hưởng cảm giác tự do trong chốc lát. Cảnh sát nhanh chóng tóm chúng, bổ sung thêm tội bắt cóc, cướp máy bay và hành hung vào bản án trước đó, New York Times đưa tin.
Colditz Castle là nơi Đức Quốc Xã giam những tù binh cấp bậc sĩ quan. Ảnh: Dundak/Wikimedia |
Colditz Castle là một pháo đài đen nằm sát bờ vực của một vách đá thẳng đứng cao 75 mét ở trung tâm nước Đức. Trong Chiến tranh Thế giới thứ hai, đây là nơi Đức Quốc Xã giam giữ tù binh cấp bậc sĩ quan. Cuộc sống của các tù binh ở Colditz Castle tương đối dễ chịu. Lính canh đối xử với họ khá tôn trọng, theo Yesterday.
Năm 1941, quân đội Đức Quốc Xã giam sĩ quan Anh, Airey Neave, vào Colditz Castle. Neave quyết định vượt ngục, điều chưa ai từng làm trước đó. Đương nhiên, ông không thành công ngay lần đầu.
Ngày 28/8, ông dùng sơn xanh tạo một bộ quân phục giả và vờ tản bộ ra ngoài. Một chiếc máy bay tuần tra rọi vào Neave, màu xanh của chiếc áo phản quang rõ ràng. Viên sĩ quan thất bại.
5 tháng sau, Neave tiếp tục vượt ngục cùng một tù binh khác. Hai người mặc đồng phục giả, bò lên trần nhà và thoát ra từ một trạm gác gần pháo đài.
Họ đi bộ và bắt xe lửa đi qua 650 km về phía đông nam nước Đức. Trong khoảng thời gian ấy, hai người ngủ bất cứ nơi đâu và trốn thoát mọi cuộc truy lùng. Họ vượt biên giới Thụy Sĩ, tìm cách trốn qua Pháp và Tây Ban Nha. 4 tháng sau, Neave và bạn tù đặt chân lên đất Anh.