Đóng

Những việc cán bộ, công chức không được làm từ 1/7/2025

  • Việt Hương (T/h)
(DS&PL) -

Luật Cán bộ, công chức sửa đổi được Quốc hội thông qua ngày 24/6, có hiệu lực từ 1/7/2025, bổ sung danh mục cụ thể những việc cán bộ, công chức không được làm.

Theo quy định mới, cán bộ, công chức không được trốn tránh, né tránh, đùn đẩy, thoái thác nhiệm vụ; gây bè phái, mất đoàn kết; tự ý nghỉ việc, bỏ việc; tham gia đình công; phát ngôn, đăng tải hoặc phát tán thông tin sai sự thật làm ảnh hưởng đến uy tín của đất nước, địa phương, đơn vị công tác.

Luật cũng nghiêm cấm các hành vi tham ô, tham nhũng, tiêu cực, lãng phí, trục lợi, nhũng nhiễu người dân, doanh nghiệp trong quá trình thực thi công vụ.

Bên cạnh đó, cán bộ, công chức không được sử dụng trái phép tài sản công, lạm dụng chức vụ quyền hạn hoặc khai thác thông tin công vụ để trục lợi.

Ngoài ra, luật quy định cấm mọi hành vi phân biệt đối xử về dân tộc, giới tính, tuổi tác, khuyết tật, tôn giáo, tín ngưỡng, thành phần xã hội khi thi hành công vụ.

Công chức Đà Nẵng làm việc tại Trung tâm hành chính Đà Nẵng, tháng 5/2024. (Ảnh: VnExpress)

Cán bộ, công chức cũng không được tham gia sản xuất, kinh doanh hay làm công tác nhân sự trái quy định về phòng chống tham nhũng, tiết kiệm, chống lãng phí và bảo vệ bí mật nhà nước.

Luật mới xác định nghĩa vụ thi hành công vụ, trong đó cán bộ, công chức phải làm đúng, đầy đủ nhiệm vụ, chịu trách nhiệm về kết quả; chủ động học tập, nâng cao trình độ, ứng dụng công nghệ và chuyển đổi số.

Nếu phát hiện vi phạm trong cơ quan, cán bộ, công chức phải báo cáo người có thẩm quyền, đồng thời tuân thủ quy định bảo vệ bí mật nhà nước. Tài sản công được giao phải được sử dụng hiệu quả, tiết kiệm.

Trường hợp nhận lệnh trái pháp luật, cán bộ, công chức phải báo cáo bằng văn bản với người ra quyết định. Nếu vẫn bị yêu cầu chấp hành, phải thực hiện nhưng đồng thời báo cáo bằng văn bản cho cấp trên trực tiếp của người ra quyết định. Khi đã thực hiện đúng quy trình này, người thi hành không chịu trách nhiệm về hậu quả; người ra quyết định phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.

Luật quy định người đứng đầu cơ quan, đơn vị có trách nhiệm tổ chức thực hiện phòng chống tham nhũng, tiêu cực, tiết kiệm, chống lãng phí. Họ phải chịu trách nhiệm nếu để xảy ra sai phạm và có thẩm quyền xử lý nghiêm cán bộ cấp dưới vi phạm kỷ luật, quan liêu, hách dịch, gây phiền hà cho người dân.

Tin nổi bật