Từ đầu tháng này, 51 trường THCS và 18 trường THPT (khoảng 40% tổng số trường trung học) ở Ninh Bình thí điểm làm việc 40 giờ mỗi tuần, tương đương 5 ngày. Học sinh học từ thứ hai đến sáu, nghỉ thứ bảy và chủ nhật.
Thời gian thí điểm kéo dài hết tháng 2. Sang tháng 3, các trường đánh giá và báo cáo, đề xuất để cơ quan quản lý xem xét mở rộng.
Tỉnh Phú Thọ cũng chọn 14 trường THPT và 22 trường THCS để thí điểm tổ chức học 5 ngày trên tuần, bắt đầu từ học kỳ II.
Để học sinh có thêm thời gian nghỉ ngơi, tự học và vui chơi, nhiều tỉnh thành đang tiến hành thí điểm hoặc dự kiến cho học sinh nghỉ học vào ngày thứ bảy. Ảnh minh hoạ.
Chia sẻ trên Vnexpress, ông Nguyễn Văn Mạnh, Giám đốc Sở GD& ĐT Phú Thọ, nói đông đảo phụ huynh đồng tình. Như ở huyện Tân Sơn, 70% số người được hỏi ủng hộ.
Hai Sở đều cho biết thay đổi nhằm hạn chế tình trạng dạy thêm, học thêm như chủ trương của Bộ GD&ĐT; tạo điều kiện cho giáo viên, học sinh có thời gian tự học, tự bồi dưỡng, tham gia các hoạt động cộng đồng, xã hội.
Trước đó, hàng loạt trường học ở Khánh Hòa, Lai Châu, Lào Cai, Hà Tĩnh, Nghệ An, Bắc Ninh, Yên Bái... đã thực hiện việc này.
Một số địa phương khác có thể cho học sinh học 5 buổi mỗi tuần, để nghỉ thứ bảy trong thời gian tới, gồm Vĩnh Phúc, Bắc Giang, Bà Rịa - Vũng Tàu, Thanh Hóa.
Theo Giáo dục & Thời đại, ngày 20/2 thông tin từ Sở GD&ĐT Vĩnh Phúc cho biết, đơn vị này có văn bản gửi UBND tỉnh đề nghị đồng ý chủ trương thí điểm dạy học 5 ngày/tuần cấp trung học.
Đối tượng áp dụng là các trường THCS, THPT và cơ sở giáo dục thực hiện chương trình Giáo dục thường xuyên cấp THPT có đủ điều kiện về cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên.
Thời gian đề xuất thực hiện thí điểm từ ngày 1/3 đến hết năm học 2024-2025.
Theo đó, tổ chức dạy học và các hoạt động giáo dục 2 buổi/ngày từ thứ hai đến thứ sáu hàng tuần.
Học sinh sẽ được nghỉ học ngày thứ bảy và chủ nhật.
Mỗi ngày dạy không quá 7 tiết, mỗi tuần dạy không quá 35 tiết.
Các cơ sở giáo dục xây dựng kế hoạch tổ chức dạy học 5 ngày/tuần phù hợp với điều kiện thực tế của đơn vị, không ảnh hưởng đến tiến độ học tập và chất lượng giáo dục; không gây quá tải cho học sinh.
Bố trí hợp lý tiết dạy của giáo viên theo định mức qui định.
Đối với các lớp cuối cấp (lớp 9, lớp 12) sẽ bố trí đội ngũ giáo viên có kinh nghiệm giảng dạy, bồi dưỡng, ôn tập cho học sinh.
Trước mắt, được phép sử dụng nguồn ngân sách chi thường xuyên đã phân khai cho nhà trường để hỗ trợ cho các giờ học tăng cường vượt định mức giờ dạy của giáo viên.
Sở GD&ĐT khuyến khích tổ chức thực hiện dạy học đủ 35 tiết/tuần cho học sinh các khối lớp 6, 7, 8 và khối lớp 10, 11 trên cơ sở tự nguyện của giáo viên và học sinh.
Bắc Giang cũng tương tự. Theo đại diện Sở, trước đây, Bộ quy định số tiết học mỗi tuần. Với chương trình giáo dục phổ thông mới, số tiết học được quy định theo năm. Khác biệt này là căn cứ và thuận lợi để các trường triển khai dạy học 5 ngày.
Bà Rịa - Vũng Tàu đã hoàn thành hai lần khảo sát về chủ trương học 5 ngày. Kết quả, hơn 80% học sinh và phụ huynh THPT đồng ý; con số này ở cấp THCS là hơn 86%. Sở Giáo dục nhận định tỷ lệ đồng thuận cao, đặc biệt một số huyện như Long Đất, Côn Đảo, Châu Đức.