Ấn Độ chiếm 7 trong số 10 thành phố ô nhiễm không khí tồi tệ nhất thế giới trong khi chất lượng không khí ở các thành phố Trung Quốc được cải thiện rõ rệt.
Những thành phố ô nhiễm không khí nghiêm trọng nhất thế giới. Ảnh: Bloomberg |
Gurugram, ngoại ô thủ đô New Delhi của Ấn Độ là thành phố ô nhiễm nhất thế giới, theo Greenpeace và AirVisual. Chỉ số chất lượng không khí trung bình ở Gurugram là 135,8 vào năm 2018 - gần gấp 3 lần so với tiêu chuẩn của Cơ quan Bảo vệ Môi trường Mỹ (EPA). Trong hai tháng cuối năm 2018, chất lượng không khí theo thời gian thực (PM2.5 AQI) tại Gurugram đạt trên 200. EPA coi điều này là "rất không lành mạnh" và cảnh báo rằng "mọi người có thể gặp phải tình trạng sức khỏe nghiêm trọng” nếu tiếp xúc.
Theo báo cáo, ô nhiễm không khí sẽ gây ra khoảng 7 triệu ca tử vong sớm trên toàn cầu vào năm 2020 cũng như gây ra tác động tiêu cực đến nền kinh tế.
"Ô nhiễm không khí sẽ đánh cắp sinh kế và tương lai của chúng ta", giám đốc điều hành của Greenpeace Đông Nam Á Yeb Sano nhận định. "Ngoài nguy cơ tử vong, ước tính ô nhiễm không khí còn khiến toàn cầu mất khoảng 225 tỷ USD chi phí cho lao động và hàng ngàn tỷ chi phí y tế. Điều này có tác động rất lớn đến sức khỏe và cuộc sống của con người".
Vấn đề đặc biệt rõ rệt ở Nam Á. Có tới 18 trong trong số 20 thành phố ô nhiễm nhất thế giới nằm ở Ấn Độ, Pakistan hoặc Bangladesh, bao gồm các trung tâm dân số lớn Lahore, Delhi và Dhaka, lần lượt xếp thứ 10, 11 và 17 vào năm 2018.
Đốt nguyên liệu hoá thạch là nguyên nhân hàng đầu gây ô nhiễm không khí. Ảnh minh hoạ: Getty |
Bên cạnh đó, thay đổi khí hậu cũng đang làm cho tác động của ô nhiễm không khí trở nên tồi tệ hơn bằng cách “thay đổi điều kiện khí quyển và khuếch đại các đám cháy rừng", báo cáo cho biết, lưu ý rằng động lực chính của sự nóng lên toàn cầu, đốt nhiên liệu hóa thạch, cũng là nguyên nhân chính làm không khí ô nhiễm nghiêm trọng hơn.
"Rõ ràng, thủ phạm phổ biến trên toàn cầu là việc đốt nhiên liệu hóa thạch - than, dầu và khí đốt - trở nên tồi tệ hơn do việc chặt phá rừng của chúng ta", ông Sano bổ sung. "Những gì chúng ta cần là việc các nhà lãnh đạo suy nghĩ nghiêm túc hơn về sức khỏe và khí hậu bằng cách xem xét sự chuyển đổi khỏi nhiên liệu hóa thạch rồi từ đó có thể thực hiện các bước để giải quyết vấn đề sức khỏe và khí hậu".
Mặc dù các nước Nam Á, cùng với Trung Quốc bị ảnh hưởng nặng nề nhất nhưng ô nhiễm không khí là vấn đề toàn cầu. Trong số 3.000 thành phố được đo trong báo cáo, 64% vượt quá các chỉ số tiêu chuẩn của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đối với nồng độ bụi mịn PM2.5.
PM2.5 bao gồm các chất gây ô nhiễm như sulfate, nitrat và carbon đen, có thể lẻn sâu vào phổi và hệ thống tim mạch. Tiếp xúc với các hạt như vậy có thể gây ra rối loạn phổi và nhịp tim, làm giảm chức năng nhận thức và miễn dịch.
Mỗi thành phố được đưa vào báo cáo ở Trung Đông và Châu Phi đều vượt quá tiêu chuẩn của WHO về PM2.5, 99% các thành phố ở Nam Á, 95% ở Đông Nam Á và 89% ở Đông Á. "Vì nhiều khu vực thiếu thông tin liên quan đến chất lượng không khí công cộng nên tổng số thành phố vượt quá ngưỡng PM2.5 của WHO dự kiến sẽ cao hơn nhiều so với con số được đưa ra", báo cáo tiết lộ.
Một điểm sáng là Trung Quốc, từng vật lộn với ô nhiễm không khí đô thị đã có những tiến triển tích cực hơn. Báo cáo cho thấy nồng độ chất ô nhiễm trung bình giảm 12% tại các thành phố Trung Quốc từ năm 2017 - 2018, đặc biệt, thủ đô Bắc Kinh đã rời khỏi top 100 thành phố ô nhiễm nhất sau những nỗ lực phối hợp để kiểm soát và giảm thiểu.
Thành phố ô nhiễm nhất Trung Quốc năm 2018, theo báo cáo của Greenpeace/AirVisual, là Hoà Điền ở Tân Cương. Tuy nhiên, trong khi Trung Quốc đã có sự cải thiện, nhiều quốc gia láng giềng vẫn đang phải chịu sự gia tăng ô nhiễm lớn, bao gồm ở Indonesia, Hàn Quốc, Việt Nam và Thái Lan.
PHƯƠNG PHƯƠNG (Theo CNN)