Việc máy bay hạ cánh nhầm đường băng có thể xuất phát từ rất nhiều lý do khác nhau. Đa số các trường hợp đều được xử lý kịp thời nhưng có những sự nhầm lẫn để lại hậu quả hết sức nặng nề.
Vụ tai nạn hi hữu xảy ra ngày 31/10/2000, khi chiếc máy bay mang số hiệu 006 của hãng hàng không Singapore Airlines chuẩn bị bay từ sân bay quốc tế Chiang Kai-shek (Đài Loan) đi Los Angeles (Mỹ).
Lúc này, trên máy bay có 159 hành khách (chủ yếu là người Mỹ, Đài Loan) và 20 thành viên phi hành đoàn, trong đó có 6 trẻ em.
Tuy nhiên, thay vì cất cánh từ đường băng số 05L theo yêu cầu của đài không lưu, chiếc máy bay lại cất cánh từ đường băng số 05R nằm song song, đang bị đóng cửa để bảo trì.
Do mưa lớn, các thành viên phi hành đoàn không nhìn thấy một loạt xe chuyên dụng đang đậu trên đường băng 05R.
Hiện trường chiếc máy bay trong vụ tai nạn - Ảnh: Airliners. |
Chiếc máy bay va chạm với xe chuyên dụng và vỡ làm 3 phần, bốc cháy dữ dội.
Đám cháy được khống chế sau 10 phút, nhưng vụ tai nạn đã khiến 81 người thiệt mạng và 83 người bị thương.
Máy bay McDonnell Douglas DC-10 của hãng Western Airlines hạ cánh xuống một đường băng đang bảo trì tại sân bay quốc tế Mexico City. Vụ tai nạn khiến 73 người thiệt mạng, trong đó có một nhân viên bảo dưỡng khi chiếc máy bay trên va chạm với phương tiện người này đang sử dụng.
Máy bay của hãng Western Airlines - Ảnh: Piergiuliano Chesi. |
Một chiếc máy bay của hãng hàng không U.S.-Bangla Airline chở 71 người (gồm 67 hành khách và 4 thành viên phi hành đoàn) đã rơi trong quá trình hạ cánh xuống sân bay quốc tế Tribhuvan ở thung lũng Kathmandu (Nepal) chiều 12/3.
Vụ tai nạn khiến 49 người thiệt mạng và hơn 20 người bị thương.
Hiện chưa rõ nguyên nhân thực sự dẫn đến thảm kịch hàng không này. Tuy nhiên, đoạn ghi âm cuộc hội thoại cuối cùng giữa cơ trưởng máy bay và đài kiểm soát không lưu cho thấy dường như đã có sự hiểu nhầm về “đường băng 20” và “đường băng 02”.
Hiện trường vụ tai nạn - Ảnh: AP |
Trên thực tế, sân bay Tribhuvan chỉ có một đường băng. Cách gọi “đường băng 20” dùng cho máy bay hạ cánh từ phía bắc. “Đường băng 02” cho máy bay hạ cánh từ phía nam.
Do hiểu nhầm giữa phi hành đoàn và đài không lưu, chiếc máy bay đã hạ cánh ở phía bắc đường băng, thay vì phía nam. Ngay sau đó, máy bay lao ra khỏi đường băng, va chạm với một sân bóng và bốc cháy dữ dội.
Vụ tai nạn xảy ra sáng sớm ngày 27/8/2006, khi chuyến bay mang số hiệu 5191 của hãng hàng không Comair cất cánh từ Lexington (Kentucky) đi Atlanta (Georgia, Mỹ).
Theo chỉ định từ đài không lưu, máy bay sẽ cất cánh từ đường băng số 22 (dài 2.135m). Cơ trưởng lập tức nhận lệnh, nhưng lại điều khiển máy bay tiến vào đường băng số 26 (dài 1.100m).
Vì cất cánh từ đường băng ngắn hơn, chiếc máy bay không đủ đà rời khỏi mặt đất và đâm sầm vào một bức tường.
49 trong số 50 người có mặt trên máy bay đã thiệt mạng. Phần lớn các nạn nhân tử vong tại chỗ. Chiếc máy bay sau đó bị thiêu rụi trong biển lửa.
Đài tưởng niệm các nạn nhân của vụ tai nạn. Ảnh: Lexington Herald Leader. |
Người duy nhất sống sót sau vụ tai nạn là cơ phó James Polehinke. Tuy nhiên, Polehinke bị thương nặng và tổn thương não nghiêm trọng nên không nhớ gì về vụ tai nạn.
Nguyên nhân chính dẫn đến việc máy bay đáp nhầm địa điểm là do các hệ thống trợ giúp hạ cánh hiện nay không chính xác tuyệt đối, theo phi công Patrick Smith.
Ông Smith cho biết khả năng máy bay đáp nhầm đường băng, hoặc nhầm sân bay, phụ thuộc vào phương pháp hạ cánh mà phi công sử dụng. Có 3 phương pháp chính, gồm đáp máy bay thông qua hệ thống thiết bị hạ cánh ILS, hệ thống định vị khu vực RNAV hoặc phi công quan sát bằng mắt thường.
"Cả 3 phương pháp trên đều không hoàn toàn chính xác và có khả năng xảy ra sai sót".
Thông thường phi công sử dụng RNAV sẽ kết hợp với việc thành viên tổ lái quan sát địa hình sân bay và tự định hình hướng tiếp cận đường băng. Đây là cách hạ cánh thường được sử dụng và tỷ lệ thành công khá cao nhưng không tuyệt đối, vì việc tiếp cận bằng mắt chỉ dễ dàng nếu điều kiện thời tiết cho phép.
"Tại Mỹ, mỗi ngày có hàng trăm phi công, nếu không muốn nói là hàng nghìn, vẫn sử dụng thành công phương pháp tiếp cận địa điểm hạ cánh bằng thị giác. Tuy nhiên họ cần kiểm tra rất kỹ các thông tin về sân bay và đường băng để đảm bảo an toàn tuyệt đối", ông Smith cho biết thêm.
NGUYỄN QUỲNH (T/h)