(ĐSPL) – Bệnh rôm sảy là bệnh mùa hè phổ biến ở trẻ em. Các mẹ cần nắm được những điều nên và không nên khi trị rôm sảy cho bé để hạn chế những tác hại lớn hơn có thể xảy ra.
Theo BS.Vũ Mạnh Hùng - Phó Giám đốc Bệnh viện Da liễu Hà Nội chia sẻ trên Tạp chí Thực phẩm chức năng, rôm sảy là căn bệnh thường gặp ở trẻ, đặc biệt vào mùa hè. Nguyên nhân chính gây ra rôm là do thời tiết nóng bức, mồ hôi trẻ tiết ra nhiều và ứ đọng lại trong các ống bài tiết trên da trẻ. Trong khi đó, miệng ống bài tiết dễ bị bụi hay ghét bít kín khiến làn da nổi lên nhiều sẩn nhỏ lấm tấm màu hồng.
Rôm sảy là một bệnh phổ biến trong mùa hè. Ảnh minh họa. |
Bác sỹ Hùng cũng cho biết, điều trị và phòng tránh rôm sảy thông thường không khó nhưng nếu bệnh để nặng và phát triển thành mụn nhọt, việc điều trị sẽ trở nên vô cùng phức tạp. Thông thường, khi thời tiết mát mẻ, hiện tượng này sẽ tự động mất đi và không gây tác hại gì.
Tuy nhiên, nếu phạm phải những sai lầm trong khi điều trị rôm sảy cho bé, rôm sảy rất dễ chuyển biến thành mụn mủ và nhọt, nhiễm trùng. Nếu không được điều trị, trẻ có nguy cơ bị viêm da mạn tính hay viêm cầu thận cấp (tuy hiếm gặp nhưng vô cùng nguy hiểm). Vì thế, các mẹ nên tham khảo những điều dưới đây để biết những điều nên là không nên làm khi trị rôm sảy cho bé.
Không đưa trẻ đến những nơi đông người. Để trẻ đỡ bị rôm và tránh da bị nhiễm khuẩn trong những ngày hè oi bức, bạn không nên đưa trẻ đến những nơi đông người, không khí ngột ngạt.
Tờ Khám phá cho biết, khi trị rôm sảy cho bé, bạn Không massage cho bé trong mùa nóng. Tuy việc massage rất tốt cho bé nhưng trong mùa nóng, massage bằng các loại dầu oliu, dầu dừa … vì sẽ làm tăng tình trạng rôm sảy.
Không nên massage cho trẻ trong mùa hè. Ảnh minh họa. |
Không vắt nhiều chanh hay đun nước lá quá đặc. Việc vắt nhiều chanh vào nước tắm hay trực tiếp xát chanh lên da dễ khiến da bé bị kích ứng, tổn thương do hàm lượng axit quá cao. Nếu hòa chanh, muối vào nước tắm, không nên dùng quá nhiều mà cần phải để ý tỷ lệ hợp lý, vì nếu không sẽ gây xót và dễ làm kích ứng làn da non nớt của bé. Với việc nấu nước lá, các mẹ cũng không nên nấu quá đặc, vì lượng tinh bột của lá có thể đọng nhiều trên da, gây nhiễm khuẩn, viêm da, dị ứng cho bé.
Xem video Cách trị rôm sảy cho bé hiệu quả.
Không tắm nước lá khi da bé bị trầy xước, mưng mủ. Khi da đã trong tình trạng sưng đỏ, viêm da quá nặng do bé ngứa, gãi gây trầy xước, mất lớp màng bảo vệ, việc tắm nước lá dù đã qua đun nấu cũng có thể tăng nguy cơ vi khuẩn xâm nhập, làm tình trạng nhiễm trùng tăng lên, đôi khi gây những biến chứng không ngờ. Có những trẻ bị viêm nhiễm ở vùng gần hệ thần kinh, mạch máu như mặt, cổ, đầu, nếu mẹ vẫn cho tắm nước lá mà không được điều trị kịp thời có thể gây viêm tắc tĩnh mạch não và để lại di chứng suốt đời.
Không tắm sữa tắm người lớn cho bé. Sữa tắm người lớn vốn chứa độ kiềm cao dễ làm cho da bé bị khô, vì vậy càng làm tăng tình trạng nhiễm trùng, rôm sảy trên da của bé. Trong khi đó, không ít mẹ lại có thói quen massage cho bé bằng tinh dầu dừa, tinh dầu oliu. Tuy nhiên, trong những ngày hè nóng nực, dùng các loại tinh dầu này chỉ làm tăng thêm tình trạng khó chịu, gây chàm hay mọc rôm sảy ở bé.
Không tự ý bôi thuốc khi chưa có chỉ định của bác sĩ. Nếu tình trạng bé bị mẩn ngứa nhiều, có các mụn đầu trắng trên da, rôm sảy dày đặc, đỏ, kéo dài …, các mẹ nên đưa bé đến các chuyên khoa da liễu để khám và điều trị. Tuyệt đối không tự mua thuốc bôi hoặc giữ con lại ở nhà tự chữa, vì có thể làm bệnh nặng thêm, chưa kể các biến chứng có thể gây ra cho bé.
Hạn chế các thức ăn quá ngọt như chocolate, kẹo. Bạn không nên cho trẻ ăn nhiều đồ ngọt trong mùa hè, dễ gây nóng đối với trẻ. Bên cạnh đó, không dùng kháng sinh hoặc bất cứ loại thuốc nào nếu không có chỉ định của bác sỹ.
Giữ cho cơ thể bé luôn được thoáng, mát. Để phòng chống tình trạng rôm sảy, các mẹ nên cho trẻ mặc quần áo vải mỏng, rộng, nhạt màu; nên chọn loại sợi tự nhiên, thấm mồ hôi, tránh dùng những loại vải dày, vải nilon bí mồ hôi; thường xuyên tắm cho bé để mồ hôi bài tiết dễ dàng; chườm lạnh hoặc dùng khăn lạnh lau người bé thường xuyên; tạo môi trường thoáng mát cho bé như sử dụng quạt, máy điều hòa với nhiệt độ thích hợp, chú trọng việc chống nắng cho bé…
Tắm và vệ sinh bé hàng ngày là một trong những việc mẹ nên làm để bé luôn mát mẻ và tránh được tình trạng nổi rôm sẩy gây ngứa. Ảnh minh họa. |
Uống nhiều nước, ăn nhiều trái cây. Để chống mệt mỏi và giải nhiệt cho cơ thể, khi bị rôm sảy bạn cũng nên cho trẻ uống nhiều nước, ăn nhiều trái cây tươi như bơ, cam, chanh, quýt… Tuyệt đối không cho bé uống nước đá hoặc những trái cây để ở ngăn đá quá lạnh vì có thể làm bé bị viêm họng.
Tắm nước lá cho bé phải đảm bảo vệ sinh. Theo những kinh nghiệm dân gian, các mẹ có thể dùng các loại cây, quả có tính mát như mướp đắng, kinh giới, sài đất, lá tía tô… để tắm cho bé.
Tuy nhiên, vì các loại lá này có thể chứa nhiều vi khuẩn gây hại, thậm chí không chết sau khi đun nấu, khi sử dụng các loại lá này phải rửa sạch, kỹ, ngâm qua nước muối hoặc thuốc tím trước khi nghiền, lọc hay đun nước tắm. Hơn nữa, trước khi tắm bằng nước lá, bé cần phải được tắm sạch bằng sữa tắm trước. Sau khi tắm nước lá, các mẹ cũng cần tắm sơ qua cho bé bằng nước ấm để rửa trôi lượng bột của lá có thể đọng trên da, gây nhiễm khuẩn.
Dùng phấn rôm cho trẻ phải đảm bảo chất lượng. Ảnh minh họa. |
Dùng phấn rôm phải đảm bảo chất lượng. Việc bôi, chấm phấn rôm lên vùng da bị rôm sảy sau khi tắm sẽ làm dịu cơn ngứa của bé, góp phần điều trị hiệu quả tình trạng rôm sảy. Tuy nhiên, do trên thị trường có rất nhiều loại phấn rôm với thành phần, liều lượng, nhãn mác khác nhau, nên các mẹ cần cân nhắc chọn những sản phẩm tốt, có thương hiệu và uy tín rõ ràng để tránh gây “tác dụng ngược” cho bé như làm bé bị dị ứng, bị viêm da …
PHƯƠNG NHI (Tổng hợp)