Nguyên nhân gây bệnh viêm gan bí ẩn ở trẻ em
Trao đổi với tờ Tuổi trẻ, PGS Đỗ Văn Dũng - Trưởng khoa y tế công cộng, Đại học Y dược TP.HCM cho biết, kết luận của các nhà nghiên cứu cho thấy căn nguyên "có lý" nhất gây bệnh viêm gan bí ẩn ở trẻ em đó là adenovirus (virus chứa DNA chuỗi kép, đường kính của virus từ 70-80nm, không có vỏ bọc bên ngoài).
Kết quả xét nghiệm phần lớn trẻ mắc viêm gan đều có kết quả xét nghiệm nhiễm virus này. Trước đây cũng từng có ca mắc adenovirus bị suy gan nặng, phải ghép gan, thậm chí là tử vong. Tuy nhiên điều kỳ lạ của bệnh viêm gan bí ẩn gần đây là tỷ lệ mắc cao hơn, đối tượng mắc bệnh khác hơn.
Xét nghiệm adenovirus.
"Nếu trước kia trẻ mắc bệnh thường là những trẻ bị suy giảm miễn dịch, cơ thể suy yếu thì giờ có thể gặp ở trẻ khỏe mạnh bình thường. Giới chuyên môn nghiêng về hướng adenovirus hiện tại có đột biến" - PGS Dũng phân tích.
Theo PGS Dũng, một số giả thuyết khác cũng được đặt ra, đó là khi trẻ cùng bị nhiễm COVID-19 và adenovirus, từ đó có hiện tượng trao đổi gene và khiến adenovirus dễ đột biến hơn. Có giả thuyết này là do việc đa số trẻ được phát hiện nhiễm viêm gan bí ẩn đều sống ở vùng trước đây từng chống chọi với dịch COVID-19.
Chuyên gia cho rằng đây là cơ chế bình thường, có thể xảy ra khi bất kỳ dịch bệnh nào lưu hành. Các nhà nghiên cứu nhận thấy khoảng 10-20% trẻ nhiễm bệnh viêm gan trên từng mắc COVID-19, không thể nói COVID-19 là nguyên nhân gây bệnh.
Bác sĩ Trương Hữu Khanh - Phó chủ tịch Hội Truyền nhiễm TP.HCM - cho biết phần lớn các nghiên cứu hiện nay đều cho rằng gây ra căn bệnh viêm gan bí ẩn ở trẻ em là do adenovirus, đây là một hiện tượng mới, không thể gây thành dịch được.
Điều này hoàn toàn trùng hợp với nghiên cứu của WHO cho rằng hiện adenovirus đang được xem là nguyên nhân gây ra bệnh viêm gan cấp ở trẻ em. Tuy nhiên không loại trừ các tác nhân khác vẫn đang được điều tra.
Dấu hiệu cảnh báo trẻ mắc viêm gan bí ẩn
Gần đây, hàng trăm ca viêm gan bí ẩn được ghi nhận ở nhiều nước châu Âu, châu Mỹ và một số nước châu Á với trẻ trong độ tuổi từ một tháng đến 16 tuổi, trong đó phần lớn là trẻ dưới 5 tuổi. Đến nay, 4 trường hợp tử vong trên toàn cầu, hàng chục trẻ cần phải ghép gan, số mắc mới không ngừng tăng lên. Trẻ có ít nhất một trong các triệu chứng bao gồm sốt, buồn nôn, nôn mửa, vàng da - mắt, tiêu chảy, co giật và mất ý thức.
Ảnh minh họa.
Bác sĩ chuyên khoa II Lê Thanh Phuông - Trưởng đơn vị chuyên khoa gan, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM khuyên cha mẹ nên cho con đi khám bệnh nếu trẻ có một trong các triệu chứng sau đây:
- Sốt cao, rối loạn tri giác.
- Cảm thấy mệt mỏi bất thường mọi lúc hay cảm thấy không khỏe.
- Ăn mất ngon đau bụng, tiêu chảy, nôn.
- Nước tiểu vàng sậm, phân màu xám, nhợt nhạt.
- Vàng mắt và da, ngứa da.
- Đau cơ và khớp
Các bác sĩ lâm sàng được khuyến khích báo cáo các trường hợp có thể mắc bệnh viêm gan ở trẻ em không rõ nguyên nhân xảy ra vào hoặc sau ngày 1/10/2021, cho các cơ quan y tế công cộng để điều tra thêm, theo Tri thức trực tuyến dẫn thông tin.
Linh Chi (T/h)