(ĐSPL) - Sau nhiều lần trì hoãn, trả hồ sơ…, ngày 9/2/2015, TAND tỉnh Quảng Bình đã mở phiên tòa sơ thẩm xét xử 14 bị cáo trong vụ án “cướp huê” chấn động tại địa phương này. Qua gần 5 ngày xét xử, mặc dù còn nhiều tình tiết chưa được làm rõ nhưng HĐXX đã vội vàng tuyên các “bị cáo” trên phạm tội Cưỡng đoạt tài sản.
14 bị cáo phản bác bản cáo trạng
Theo bản cáo trạng của VKSND tỉnh Quảng Bình, cuối tháng 4/2012, anh Phạm Văn Thắng (SN 1970), ở thôn 1 Thanh Sen, xã Phúc Trạch, huyện Bố Trạch (Quảng Bình) cùng một số đối tượng khác đã khai thác trái phép 3 cây gỗ huê ở Hung Trí, thuộc Vườn Quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng rồi được chia một số gỗ huê. Sau đó, Thắng đã thuê Phạm Văn Toàn (gọi Thắng bằng chú ruột - PV) ở cùng thôn vận chuyển. Toàn đã thuê thêm 22 người đi vào rừng Hung Trí vận chuyển 7 gùi gỗ huê nói trên. Khoảng 12h ngày 2/5/2012, khi đến Hung Roi thuộc thôn 4, xã Xuân Trạch, huyện Bố Trạch, Phạm Văn Toàn gặp nhóm của Nguyễn Văn Hiệu. Sau đó Nguyễn Văn Phương (trong nhóm của Hiệu) dùng dây dù màu xanh trói hai tay Toàn về phía trước và yêu cầu Toàn bán lại cho Hiệu số gỗ nói trên nhưng Toàn không đồng ý. Lúc này, những người gùi gỗ huê lần lượt từ trong rừng đi ra thì bị nhóm của Hiệu đứng chặn đường và dùng dao, gậy đe dọa, khống chế buộc bỏ các gùi gỗ huê lại và thu giữ điện thoại di động rồi dồn những người gùi gỗ vào trong hõm đá canh giữ không cho đi lại.
Ngay sau đó, Toàn đến chỗ Thiện van khóc, xin lại số gỗ của mình nhưng Thiện không cho. Thiện nói cho anh Toàn 600 triệu đồng và cho những người gùi gỗ 150 triệu đồng nhưng không đưa tiền. Đến 18h, Hiệu cùng mọi người gùi gỗ ra khỏi rừng. 20h cùng ngày, Thiện đến quán cà phê Thượng Ngàn, xã Xuân Trạch, huyện Bố Trạch đưa cho Toàn số tiền 390 triệu đồng. Số gỗ trên được Nguyễn Văn Hiệu bán cho Phạm Hải (SN 1961), ở thôn Thanh Khê, xã Thanh Trạch, huyện Bố Trạch với giá 4 tỷ đồng. Số tiền bán gỗ Hiệu chia cho các đối tượng và chi trả cho những người được nhóm Hiệu thuê gùi gỗ huê.
Bắt đầu phiên tòa, một số bị cáo đã đề nghị HĐXX thay đổi ông Phạm Hữu Võ, kiểm sát viên của VKSND tỉnh Quảng Bình với lý do quá trình làm việc, ông Võ không khách quan. Tuy nhiên, sau đó, đề nghị này của các bị cáo không được chấp nhận. Sau khi đại diện VKSND tỉnh Quảng Bình công bố bản cáo trạng, tất cả các bị cáo đều không đồng ý với nội dung bản cáo trạng nêu ra.
Các bị cáo tại tòa |
Có dấu hiệu làm sai lệch hồ sơ
Với lời khai của các bị cáo tại tòa, HĐXX đã đưa ra những lời khai, biên bản đối chất của các bị cáo có sự chứng kiến cũng như chữ ký của các luật sư. Luật sư Nguyễn Cường tỏ rõ quan điểm: “Việc HĐXX chỉ dựa vào bản cung có chữ ký của luật sư để kết tội các bị cáo vào tội Cưỡng đoạt tài sản là chưa đủ chứng cứ, thiếu tính thuyết phục bởi đó chưa phải là chứng cứ duy nhất”.
Trước những công bố về nội dung trong các bản khai trước đó tại CQĐT, tất cả các bị cáo đều khai rằng, quá trình lấy lời khai cũng như quá trình điều tra họ bị điều tra viên ký khống vào giấy trắng, giấy ghi chưa hết nội dung. Thậm chí, bị cáo Hồ Xuân Thiện, bị cáo Lê Anh Vũ, bị cáo Hoàng Văn Thành khai nhận, họ chưa từng làm việc với các luật sư thì tại sao lại có chữ ký của luật sư trong các biên bản đó được.
Trong phần luận tội, đại diện VKSND vẫn giữ nguyên quan điểm truy tố các bị cáo với tội danh Cướp tài sản theo khoản 4, điều 133 Bộ luật hình sự, với khung hình phạt từ 18 năm đến chung thân, tử hình. Tuy nhiên, tại phiên tòa, đại diện VKS bất ngờ đưa ra mức án khá “khoan hồng” với các bị cáo khi hạ mức hình phạt xuống khoản 3 thậm chí đến khoản 2 điều 133 Bộ luật hình sự với đề nghị các mức án từ 8 đến 13 năm tù cho các bị cáo. Sau gần 5 ngày làm việc, HĐXX tuyên các bị cáo hơn 100 năm tù với tội danh Cưỡng đoạt tài sản. Được biết, các bị cáo sẽ làm đơn kháng cáo và tiếp tục làm đơn kêu oan.