Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Nhiều tỉnh miền Trung mưa to kèm lốc xoáy, nhà dân bị tốc mái, hàng trăm cây gãy đổ

  • Thủy Tiên (T/h)
(DS&PL) -

Miền Trung đang xảy ra mưa lớn trên diện rộng; gió mạnh, lốc xoáy làm hư hại nhiều tài sản, ảnh hưởng đến người dân.

Quảng Trị

Trong sáng 18/9, tại thị trấn Cửa Việt, huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị, một trận gió lốc kèm mưa lớn quét qua làm nhiều hàng quán ven biển của người dân bị tốc mái, hư hỏng đồ đạc, nhiều cây xanh gãy đổ. Ngay sau cơn lốc, người dân đã chủ động khắc phục và chủ động phòng chống thiên tai.

Tại các khu neo đậu tránh trú bão ở huyện Gio Linh và huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị, ngư dân đang khẩn trương neo đậu tàu thuyền. Lực lượng Bộ đội Biên phòng Quảng Trị đã cử người đến khu vực các xã ven biển hỗ trợ người dân.

Đồn Biên phòng Triệu Vân, huyện Triệu Phong đã cử cán bộ, chiến sĩ phối hợp với chính quyền và các đoàn thể địa phương tập trung làm tốt công tác tuyên truyền, kêu gọi tàu thuyền vào nơi neo đậu an toàn, giúp bà con chằng chống nhà cửa. Hơn 2.000 tàu thuyền tại tỉnh Quảng Trị đã cơ bản vào bờ neo đậu, tránh trú an toàn.

Lực lượng Bộ đội Biên phòng Quảng Trị đã cử người đến khu vực các xã ven biển hỗ trợ người dân.

Đại tá Lê Văn Phương, Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy bộ Đội biên Phòng tỉnh Quảng Trị cho biết, tỉnh Quảng Trị đã tiến hành cấm biển từ ngày 17/9, kêu gọi các tàu bè còn hoạt động vào bờ. Hiện nay một số phương tiện của tỉnh đang hoạt động ở bờ biển phía Nam đang liên lạc để bà con vào bờ.

"Các phương tiện mà hiện nay đang dự kiến ở trên hướng bão đi qua thì đã kêu gọi theo thông báo, để các chủ phương tiện chủ động phòng tránh, giúp cho nhân dân vào các âu tàu thuyền để chằng chống, đảm bảo an toàn cho phương tiện. Đồng thời, kêu gọi các ngư dân đang ở dưới tàu chủ động triển khai chằng chống tàu thuyền và sẵn sàng triển khai di dời người vào đất liền khi bão đổ bộ", VOV dẫn lời Đại tá Lê Văn Phương nói.

Hà Tĩnh

Sáng 18/9, bão VietNamnet dẫn lời ông Lê Doãn Khánh, Chủ tịch UBND xã Thịnh Lộc (huyện Lộc Hà, Hà Tĩnh), cho biết một trận lốc xoáy mạnh đã quét qua địa bàn xã vào khoảng 1h hôm nay, gây thiệt hại đáng kể về tài sản.

Nhiều ngôi nhà trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh bị gió thổi tốc mái.

Cụ thể, tại thôn Nam Sơn, lốc xoáy đã làm tốc mái 12 ngôi nhà, làm gãy đổ 200 cây xanh tại rừng phòng hộ ven biển xã Thịnh Lộc.

Chính quyền địa phương đã huy động lực lượng hỗ trợ người dân khắc phục thiệt hại, dọn dẹp hiện trường.

Cây xanh bị đổ bật gốc.

Thừa Thiên - Huế

Theo bản tin của Đài Khí tượng thuỷ văn tỉnh Thừa Thiên Huế, hồi 7h ngày 18/9, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở vào khoảng 16,7 độ Vĩ Bắc; 113,5 độ Kinh Đông, cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 220km về phía Đông.

Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 7 (50-61km/h), giật cấp 9; di chuyển chủ yếu theo hướng Tây với tốc độ khoảng 15km/h.

Lốc xoáy khiến nhiều nhà dân ở huyện Phú Vang (tỉnh Thừa Thiên - Huế) tốc mái.

Dự báo đến 7h ngày 19/9, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới cách Quảng Trị khoảng 210km về phía Đông Đông Nam, cách Đà Nẵng 120km về phía Đông; cường độ cấp 8, giật cấp 10; di chuyển theo hướng Tây Tây Nam, di chuyển với vận tốc khoảng 20km/h và mạnh lên thành bão.

Theo Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh Thừa Thiên Huế, từ 19h ngày 17/9 - 10h ngày 18/9, trên địa bàn xuất hiện mưa vừa, mưa lớn với lượng mưa phổ biến từ 60-140mm, có nơi cao hơn như Lăng Cô, Phú Lộc 186mm; Bạch Mã 170mm; Giang Hải, Phú Lộc 155mm.

Người dân gia cố nhà cửa.

Dự báo do ảnh hưởng của hoàn lưu áp thấp nhiệt đới khả năng mạnh lên thành bão, trên đất liền tỉnh có mưa cường độ mạnh nhất tập trung từ chiều tối nay 18 đến trưa ngày 20/9. Tổng lượng mưa cả đợt phổ biến 150-300mm, có nơi trên 450mm.

Đà Nẵng

Tại Đà Nẵng, mưa lớn từ rạng sáng 18/9 khiến nhiều khu vực dân cư, các tuyến đường bị ngập. Mưa to, liên tục và gió lớn đã làm ảnh hưởng đến việc đi lại, sinh hoạt của người dân.

Mưa lớn khiến nhiều tuyến phố ở Đà Nẵng ngập. 

Tờ Công an TP.HCM đưa tin, Sở GD&ĐT TP.Đà Nẵng có công văn cho học sinh toàn thành phố nghỉ học chiều 18/9 và ngày 19/9. Sở cũng yêu cầu các đơn vị, trường học nghiêm túc thực hiện Công văn về việc tăng cường công tác phòng, chống thiên tai năm 2024 của Sở và chỉ đạo của lãnh đạo địa phương.

Ở các xã, phường, lực lượng Công an, Ban chỉ huy quân sự, Bộ đội biên phòng, Dân quân… được tăng cường phối hợp với chính quyền các địa phương khắc phục, giúp người dân thực hiện các công việc để phòng chống thiên tai, bão số 4 như: giằng chống nhà cửa, di chuyển đồ đạc, tài sản và người già yếu, tàn tật, trẻ em (ở vùng thấp trũng) đến nơi an toàn.

Lãnh đạo UBND các tỉnh, thành phố đã có công điện, kiểm tra thực tế về công tác PCTT và TKCN; yêu cầu các đơn vị, các địa phương theo dõi chặt chẽ tình hình áp thấp nhiệt đới, chủ động phòng tránh nhằm giảm thiểu thiệt hại; quản lý các tàu thuyền, phương tiện trên biển, ven biển ra khỏi khu vực nguy hiểm hoặc về nơi tránh trú an toàn; sẵn sàng kịch bản ứng phó với áp thấp nhiệt đới, bão, ngập lụt, sạt lở đất, lũ ống, lũ quét, tập trung bảo đảm an toàn tính mạng, hạn chế thiệt hại về tài sản của nhân dân.

Lực lượng chức năng dọn dẹp cây cối đổ ngã.

Các đơn vị, các địa phương bố trí các lực lượng chốt chặn, kiểm tra, rà soát các khu vực ven sông, suối, khu vực thấp trũng, khu đô thị, có nguy cơ cao xảy ra ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất để chủ động tổ chức di dời, sơ tán người dân khi có tình huống xảy ra; bố trí lực lượng, vật tư, phương tiện để sẵn sàng triển khai ứng phó áp thấp nhiệt đới, bão, mưa lũ, tổ chức cứu nạn cứu hộ…

Ảnh: VOV, VietNamnet, Công an TP.HCM

Tin nổi bật