Các chuyên gia y tế lên tiếng cảnh báo tình trạng trẻ hóa bệnh ung thư đại trực tràng. Có những đứa trẻ mới 9-10 tuổi đã phải nhập viện để điều trị căn bệnh quái ác này.
Nhiều trẻ em mắc bệnh
TS Phạm Văn Bình. Ảnh: VTC news |
TS Phạm Văn Bình –Trưởng khoa Ngoại bụng I, Bệnh viện K Trung ương cho VTC news biết, tại Khoa Ngoại 1, bệnh viện K Trung ương từng tiếp nhận bệnh nhân bị ung thư đại trực tràng nhỏ tuổi nhất là 10 tuổi. Cháu bé vào viện vì đau bụng và sau đó được chẩn đoán tắc ruột.
Kết quả phẫu thuật và giải phẫu tế bào học là ung thư đại trực tràng. Bệnh nhi không có tiền sử gia đình có người mắc ung thư đại trực tràng cũng như không có dấu hiệu nào trước đó.
Mới đây nhất, bệnh viện vừa phẫu thuật cho cháu bé 12 tuổi, quê Thái Bình bị ung thư đại trực tràng. Cháu bé cũng bị tắc ruột và vào viện cấp cứu mới phát hiện ra ung thư đại trực tràng.
Liên quan đến vấn đề này, tiến sĩ Phạm Văn Bình, Giám đốc Trung tâm phẫu thuật nội soi Robot, Trưởng khoa Ngoại bụng I, Bệnh viện K nhấn mạnh: Nếu như trước đây, người mắc ung thư đại trực tràng thường gặp ở độ tuổi trên 50 thì giờ đây căn bệnh này có xu hướng trẻ hóa rất nhanh, khoa từng phẫu thuật cho bệnh nhi mới 10, 12 tuổi. Bệnh nhi 9 tuổi là bé trai ở tỉnh Lào Cai được phẫu thuật vào năm 2018. Bệnh nhi cấp cứu do đau bụng, tắc ruột. Khi xét nghiệm, bác sĩ phát hiện có khối ung thư biểu mô tuyến ở đại tràng sigma. Khi mổ, kích cỡ khối u đã lên tới 6cm, xâm lấn vào thành đại tràng, ở giai đoạn muộn T4B.
Theo báo Lao động, bệnh viện K cũng từng tiếp nhận bệnh nhi Trần Thanh H. 12 tuổi, quê tại Thái Bình. Bệnh nhi nhập viện trong tình trạng đau tức bụng khó chịu. Sau khi thăm khám và chỉ định chụp chiếu, thực hiện các xét nghiệm, các bác sĩ nhận thấy có tổn thương u đại tràng trái, kích thước 4x5cm, phá vỡ thanh mạc trên đại thể, u chít hẹp gần hoàn toàn lòng đại tràng. Bệnh nhi H. đã được bác sĩ phẫu thuật cắt đại trực tràng, loại bỏ hoàn toàn khối u.
Nguyên nhân bệnh ung thư đại trực tràng trẻ hóa
TS Bình cho biết nguyên nhân gây ung thư đại trực tràng hiện vẫn chưa xác định, bệnh có thể tiến triển từ các bệnh lành tính như Polyp đại trực tràng, nhất là những người bị hội chứng Polyp gia đình.
Thực phẩm ăn uống được xem là có mỗi liên quan với bệnh ung thư đại trực tràng. Trong thực phẩm, các loại thịt đỏ (thịt bò, thịt cừu) được xem là có liên quan mật thiết đến ung thư đại tràng. Ăn khoảng 160g/ngày hoặc chế độ ăn với thịt quá 5 lần/tuần có nguy cơ cao gấp 3 lần.
Dưới hình thức chiên, nướng, xông khói, dăm bông, xúc xích... chất đạm sẽ làm tăng yếu tố sinh ung thư, còn mỡ sẽ bị chuyển hóa bởi vi khuẩn trong lòng ruột, làm tăng sản các tế bào biểu mô bất thường và phát triển thành ung thư. Ăn nhiều thịt, mỡ, đạm, ít chất xơ dễ dẫn đến béo phì và có nguy cơ cao gây ung thư đại tràng, nên cần thay đổi chế độ ăn khoa học hơn để phòng bệnh.
Dấu hiệu của bệnh ung thư đại trực tràng
Ung thư đại trực tràng rất dễ nhầm lẫn với bệnh lý đường tiêu hóa khác.
- Đau bụng. Các cơn đau thường không rõ ràng, khi dữ dội, lúc lại âm ỉ tương tự như biểu hiện của viêm đại tràng.
- Rối loạn tiêu hóa kéo dài (ợ chua, chướng bụng, đầy hơi, khó tiêu, ăn không ngon miệng…).
- Thay đổi thói quen đi đại tiện, số lần đi đại tiện nhiều hơn và có thể đại tiện ra máu, suy nhược cơ thể.
- Giảm cân bất thường mà không do tập luyện thể dục hay ăn kiêng.
Ngoài các triệu chứng nêu trên, khi ung thư muộn thì có người sờ thấy cả khối u nổi ở dưới da bụng, vàng da, bụng to dần…
Phương pháp phòng tránh ung thư đại trực tràng
Một khi đã mắc ung thư thì việc trị liệu luôn khó khăn và phải chịu tỷ lệ rủi ro khá nhiều. Do đó các tốt nhất là phòng tránh bệnh bằng cách thay đổi thói quen sinh hoạt, ăn uống...
Phòng tránh bệnh là phương pháp đối phó bệnh ung thư đại trực tràng tốt nhất. |
Các chuyên gia khuyến cáo, những nguời có tiền sử viêm đại trực tràng mạn tính, trong gia đình có nguời thân từng mắc ung thư đuờng tiêu hóa (thực quản, dạ dày, đại tràng), hoặc khi có những triệu chứng sụt cân không rõ lý do, táo bón, đầy bụng, đi tiêu ra máu, ói ra máu… thì nên đi khám ngay để tầm soát, phát hiện và điều trị kịp thời.
Khoa học đã chứng minh rằng các loại thức ăn chứa nhiều chất xơ (rau xanh, trái cây) giúp làm giảm nguy cơ này vì chất xơ giúp gia tăng tiêu thụ acid folic, gia tăng kết hợp chất xơ với các yếu tố sinh ung thư dẫn đến việc loại khỏi lòng ruột sớm vì giảm thời gian ứ đọng phân. Ngoài ra, chất xơ làm giảm pH trong lòng đại tràng và tăng sản xuất các acid béo chuỗi ngắn và yếu tố vi lượng chống hiện tượng ôxy hóa.
Hoạt động thể lực, vận động hay luyện tập thể dục sẽ làm giảm nguy cơ mắc ung thư đại tràng.
Bệnh ung thư đại trực tràng nếu được phát hiện ở giai đoạn sớm thì tỷ lệ được chữa khỏi lên tới 90%. Vì thế, ngoài theo dõi các triệu chứng bất thường thì người trên 40 tuổi nên tầm soát ung thư đại trực tràng bằng nội soi qua ống mềm. Nếu có khối u bác sĩ có thể sinh thiết luôn tại chỗ để xác định u lành hay u ác và đưa ra quyết định điều trị phù hợp, kịp thời.
Ung thư đại trực tràng là một trong những bệnh ung thư phổ biến, đứng thứ 3 ở nam giới và thứ 2 ở nữ giới. Ước tính trên thế giới mỗi năm có 1,8 triệu ca mắc mới, với gần 900.000 ca tử vong, chiếm 10% gánh nặng các loại bệnh ung thư. Trong đó, riêng khu vực Châu Á chiếm đến hơn một nửa các trường hợp ung thư đại trực tràng trên toàn thế giới. Việt Nam "đóng góp" 0,8% số lượng các ca ung thư. |
Minh Khôi (T/h)