Buổi lễ tưởng niệm 75 năm thảm họa bom nguyên tử tại Hiroshima (Nhật Bản) đã được thu nhỏ trong bối cảnh đại dịch Covid-19 bùng phát. Phát biểu tại buổi lễ, Thị trưởng thành phố Kazumi Matsui kêu gọi các quốc gia bỏ qua chủ nghĩa dân tộc cùng chung tay đẩy lùi dịch bệnh.
Ngày 6/8, buổi lễ tưởng niệm 75 năm sau thảm họa bom nguyên tử đầu tiên của thế giới đã được tổ chức tại Hiroshima. Khác với mọi năm, buổi lễ năm nay đã được giới chức thành phố Hiroshima thu nhỏ quy mô để phòng tránh sự lây lan của đại dịch Covid-19, chỉ gia đình những người sống sót sau thảm họa trên mới được tới tham dự tại Công viên Hòa Bình.
Đúng 8h15 (giờ địa phương) - thời điểm quân đội Mỹ thả quả bom nguyên tử xuống Hiroshima, những người có mặt tại lễ tưởng niệm đã cùng nhau bày tỏ lòng thành kính dưới tiếng chuông Hòa bình.
Thủ tướng Nhật Bản Shizo Abe đặt vòng hoa tưởng niệm các nạn nhân trong thảm họa bom nguyên tử ở thành phố Hiroshima 75 năm trước. Ảnh: Reuters |
Phát biểu tại buổi lễ, Thị trưởng thành phố Kazumi Matsui cho biết: "Ngày 6/8 cách đây 75 năm, một quả bom nguyên tử đã được thả xuống và phá hủy toàn bộ thành phố của chúng ta. Nhiều lời đồn đại xoay quanh vụ nổ cho rằng Hiroshima sẽ không có sự sống trong 75 năm. Tuy nhiên, thành phố này đã được hồi sinh và trở thành một biểu tượng hòa bình".
Bên cạnh đó, Thị trưởng Matsui cũng kêu gọi các quốc gia cùng nhau đoàn kết, chung tay phòng chống đại dịch Covid-19 đang lây lan nhanh chóng. Ông nhắc lại về thảm họa đại dịch cúm Tây Ban Nha năm 1918, khi ấy các quốc gia đã không thể đồng lòng đẩy lùi dịch bệnh do Thế chiến thứ I.
Ông Matsui phản đối chủ nghĩa dân tộc đã kéo theo Chiến tranh thế giới thứ II và hàng loạt các vụ đánh bom nguyên tử gây hậu quả thảm khốc. Thị trưởng Hiroshima nhấn mạnh: "Chúng ta không được phép để những quá khứ đau thương đó quay trở lại. Các quốc gia nên loại từ bỏ chủ nghĩa dân tộc và chung tay chống lại các mối đe dọa toàn cầu".
Thủ tướng Nhật Bản Shizo Abe cũng có mặt tại lễ tưởng niệm trên. Tuy nhiên, quy mô buổi lễ được thu nhỏ lại 10% so với bình thường và ghế cho những người tham dự được kê cách xa nhau đảm bảo quy định giãn cách xã hội trong bối cảnh làn sóng Covid-19 thứ hai đang bùng phát tại Nhật Bản.
Cảnh tang thương tại thành phố Hiroshima 6 tháng sau vụ đánh bom thảm họa. Ảnh: Reuters |
Thảm họa bom nguyên tử tại Hiroshima năm 1945 đã cướp đi sinh mạng của hơn 75.000 người dân vô tội và trở thành một phần ký ức đau thương trong lịch sử nước này.
Minh Hạnh (Theo Reuters)