Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Nhân chứng trận sóng thần ở Indonesia: "Sóng cao hơn cả tòa nhà 3, 4 mét"

(DS&PL) -

Kevin nói anh nghe thấy âm thanh như nổ bom, sau đó mới biết là từ ngọn núi lửa Anal Krakatau đang phun trào, trước khi sóng thần ập đến.

Kevin nói anh nghe thấy âm thanh như nổ bom, sau đó mới biết là từ ngọn núi lửa Anal Krakatau đang phun trào, trước khi sóng thần ập đến.

Nhà cửa và tài sản của người dân bị phá hủy sau trận sóng thần ập vào bờ biển Sunda ngày 22/12 mà không có cảnh báo trước. Ảnh: AP.

Vào lúc 21h30 ngày 22/12 (giờ địa phương), sóng thần đã ập tới đảo Sumatra và Java ở khu vực eo biển Sunda của Indonensia, làm ít nhất 281 người chết và hơn 1.000 người bị thương. Nguyên nhân ban đầu được phỏng đoán là do núi lửa Anak Krakatau phun trào làm dịch chuyển tầng địa chất dưới đáy biển, gây ra sóng thần.

Từ thị trấn du lịch ven biển Anyer của đảo Java, du khách Kevin Rusali, 36 tuổi, vẫn còn run rẩy khi kể với tờ báo Sydney Morning Herald (Úc) về giây phút kinh hoàng khi sóng thần ập đến.

Kevin nói anh nghe thấy âm thanh như nổ bom, sau đó mới biết là từ ngọn núi lửa Anal Krakatau đang phun trào. Lúc đó khoảng 9h tối 22/12 và gia đình anh gồm 6 người đang có kỳ nghỉ ở Indonesia.

Hai đứa trẻ đã ngủ, trong khi người lớn quây quần bên tiệc nướng trên bãi biển. Đột nhiên gió thổi mạnh, đồng thời sóng dữ cuồn cuộn tiến thẳng vào biệt thự nơi gia đình Kevin đang nghỉ lại.

"Tôi cảm thấy gió thổi rát buốt sau gáy, nhìn ra ngoài biển thì những ngọn sóng rất cao - cao hơn cả tòa nhà 3, 4 mét đang tiến thẳng vào bờ", người đàn ông nhớ lại.

Chỉ vài giây trước khi con sóng đổ bộ, gia đình Kevin tức tốc chạy vào bên trong biệt thự và nhờ vậy họ sống sót. "Con gái tôi mắc kẹt dưới thứ gì đó, nhưng chính nó đã tạo thành mái che cứu mạng. Mẹ vợ tôi bị mảnh tường rơi trúng người, trong khi vợ tôi bị thương ở chân. Nhưng thật may mắn là giờ đây mọi người đã an toàn", Kevin cho biết.

Thi thể của các nạn nhân được tìm thấy sau trận sóng thần. Ảnh: AP

Azki Kurniawan, 16 tuổi, cho biết khi anh đang tham gia khóa huấn luyện ở khách sạn Patra Comfort, Java, tiếng hét thất thanh của những người trong sảnh về sóng thần đã khiến khung cảnh trở nên hỗn loạn. Azki vội vàng chạy ra bãi xe nhưng sóng đã lao tới.

“Đột nhiên một con sóng cao 1m đập vào người tôi. Tôi ngã xuống và xe máy của tôi bị đẩy ra xa. Tôi bị cuốn tới hàng rào của tòa nhà cách bãi biển 30m và bám chặt lấy hàng rào hết sức có thể, cố gắng chống chọi trong khi nước đang cuốn ngược tôi ra biển. Tôi đã bật khóc vì sợ rằng mình có thể chết", Azki cho biết.

Oystein Lund Andersen, nhiếp ảnh gia chụp núi lửa người Na Uy, nói rằng anh đã ở bãi biển Anyer tại West Java thời điểm xảy ra sóng thần.

“Tôi đã ở trên biển và đang cố chụp ảnh núi lửa phun trào. Trước đó, bãi biển rất im lặng, không có dấu hiệu sẽ có sóng thần xảy ra. Đột nhiên, tôi thấy con sóng ập tới và tôi chạy ngay về khách sạn đánh thức vợ con dậy”, Andersen kể.

Anh cho biết có tới hai con sóng lao tới. Con sóng thứ nhất với cường độ nhẹ, nhưng con sóng thứ hai rất mạnh và cuốn phăng nhà cửa cùng xe cộ.

Chủ một cửa hàng có tên Rudi Herdiansyah sống tại huyện Serang, tỉnh Banten cho biết biển khá yên ả vào tối thứ 7 cho tới khi anh nghe thấy “một tiếng động rất lớn từ ngoài khơi”. Sau đó, con sóng lớn đã nhấn chìm cửa tiệm của Rudi còn anh cũng bị cuốn ra xa. Rudi cho biết, anh gần như suýt mất mạng trước sự dữ dội của thảm họa tự nhiên.

“Ơn trời. Thánh Allah đã cứu tôi, tôi đã có thể thoát ra khỏi đống đổ nát đè lên người”, Rudi nói, đồng thời cho biết anh không nghe thấy bất cứ cảnh báo nào, nhưng may mắn đã từng tham gia diễn tập sóng thần.

“Tôi đã ý thức được cách chống chọi. Tôi cố gắng bám vào mọi thứ để có thể tồn tại. Tôi trốn đi và bám vào một băng ghế”, Rudi nói.

Nhiều người mất trắng tài sản và nhà cửa, rơi vào cảnh màn trời chiếu đất. Ảnh: Getty

Ngay sau khi thảm họa thiên nhiên xảy ra, trên mạng xã hội đã xuất hiện đoạn video cho thấy con sóng lớn dội thẳng vào khu nghỉ dưỡng nơi nhóm nhạc rock Seventeen nổi tiếng của Indonesia đang biểu diễn. Các thành viên trong ban nhạc đã bị cuốn phăng đi tại nơi mà chỉ vài phút trước đó họ vẫn đứng trình diễn.

Trên mạng xã hội Instagram, ca sĩ Riefian Fajarsyah cho biết thành viên chơi guitar bass và một quản lý của ban nhạc đã thiệt mạng, trong khi 3 người vợ của các thành viên và ngay cả vợ của Fajarsyah vẫn đang “bặt vô âm tín” sau cơn sóng dữ. Trong một bài đăng khác, ca sĩ này đăng một bức ảnh chụp cùng vợ với chú thích: “Hôm nay là sinh nhật em. Hãy nhanh về nhà đi nào”.

Một thành viên của ban nhạc, Zack, cho biết anh may mắn thoát chết nhờ bám chặt vào sân khấu và “trong những phút giây cuối cùng (ngập ngụa trong nước), tôi gần như tắt thở”, theo Reuters.

Sự kiện sóng thần đêm thứ bảy 22/12/2018 thật sự quá tàn khốc khi chỉ còn vài ngày nữa là bước sang năm mới 2019; và đúng 2 ngày trước lễ tưởng niệm "Động đất - sóng thần Ấn Độ Dương 2004" (hay còn gọi là sự kiện Boxing Day ngày 24/12/2004, một trong những thảm họa thiên tai gây thiệt hại lớn nhất về người và của).

NGUYỄN QUỲNH (T/h)

Tin nổi bật