Nhà vua Maha Vajiralongkorn và Hoàng hậu Suthida xuất hiện trong lễ tưởng niệm ông nội, trong hoàn cảnh phong trào biểu tình tiếp diễn ở Thái Lan.
Hôm 24/9, Nhà vua Maha Vajiralongkorn và Hoàng hậu Suthida có mặt tại bệnh viện Siriraj ở Bangkok, bệnh viện lâu đời nhất và lớn nhất của Thái Lan, nhân Ngày Hoàng tử Mahidol. Mahidol, ông nội của Nhà vua Thái Lan, được xem là cha đẻ của y học hiện đại và ngành chăm sóc sức khỏe cộng đồng nước này.
Vua Vajiralongkorn đã cùng Hoàng hậu đặt vòng hoa ở chân tượng Mahidol để tưởng nhớ đóng góp của ông với ngành y học.
Không rõ Hoàng quý phi Sineenat Wongvajirapakdi đang ở đâu nhưng các bức ảnh tại sự kiện không có mặt bà. Công báo Thái Lan Royal Gazette hôm 2/9 cho hay Nhà vua đã phục vị cho Sineenat sau khi tuyên bố phế truất mọi tước hiệu, huy chương và quân hàm của bà hồi năm ngoái, vì cáo buộc "âm mưu lật đổ Hoàng hậu Suthida".
Nhà vua Maha Vajiralongkorn và Hoàng hậu Suthida tại bệnh viện Siriraj ở Bangkok hôm 24/9, nhân Ngày Hoàng tử Mahidol. Ảnh: Reuters. |
Trước đó, truyền thông đưa tin ông Vajiralongkorn đang không ở Thái Lan và dành phần lớn thời gian tại châu Âu kể từ khi kế vị cha năm 2016. Báo Đức Bild hôm 31/8 cho hay Nhà vua 68 tuổi tránh dịch COVID-19 tại một khách sạn 4 sao ở Đức và hôm 29/8 được cho là đã đón bà Sineenat tại sân bay Munich.
Nhà vua và Hoàng hậu Thái Lan xuất hiện khi các cuộc biểu tình đòi cải cách dân chủ bùng phát từ tháng 7 vẫn tiếp diễn ở Bangkok.
Nhà vua Maha Vajiralongkorn và Hoàng hậu Suthida tại bệnh viện Siriraj ở Bangkok hôm 24/9, nhân Ngày Hoàng tử Mahidol. Ảnh: Reuters. |
Hôm 20/9, người biểu tình đã gửi một bức thư tới Vua Vajiralongkorn với 3 yêu cầu chính, gồm: cải cách chế độ quân chủ, Thủ tướng Prayuth Chan-ocha cùng chính phủ của ông từ chức và soạn thảo một bản hiến pháp mới, dân chủ hơn, thay thế bản hiến pháp hiện tại.
Người biểu tình cáo buộc hiến pháp Thái Lan hiện nay được soạn thảo nhằm đảm bảo cho ông Prayuth duy trì quyền lực. Một số người cũng cho rằng hiến pháp đang trao quá nhiều quyền lực cho Vua Vajiralongkorn và kêu gọi giảm thiểu ảnh hưởng của ông, thách thức điều cấm kỵ lâu nay ở Thái Lan.
Tuy nhiên, quốc hội Thái Lan đã bỏ phiếu hoãn ra quyết định về việc có sửa đổi hiến pháp hay không và thay vào đó thành lập một ủy ban nhằm nghiên cứu quá trình sửa đổi hiến pháp trước.
Được biết, các cuộc biểu tình kêu gọi hạn chế quyền lực của hoàng gia Thái Lan nổ ra từ giữa tháng 7 đã phá vỡ điều cấm kị bấy lâu nay khi chỉ trích hoàng gia cũng như tìm kiếm hiến pháp mới, kêu gọi tiến hành bầu cử.
Những người theo đường lối bảo thủ bị chấn động bởi cuộc tấn công nhằm vào hoàng gia. “Các vị có thể nói về thủ tướng nhưng đừng nói về nhà vua”, một trong những người dùng Facebook bình luận khi các bài phát biểu được truyền trực tiếp từ cuộc biểu tình.
Phóng viên Reuters ước tính có ít nhất 30.000 người tham gia biểu tình. Trong khi đó, các nhà tổ chức cho hay, có hơn 50.000 người tham gia. Theo cảnh sát, có khoảng 18.000 người tham gia biểu tình, số người biểu tình lớn nhất kể từ khi ông Prayuth lên nắm quyền sau cuộc đảo chính năm 2014.
Bích Thảo (T/h)