(ĐSPL) - Sự vắng mặt kéo dài của Kim Jong-un, trong đó có một phiên họp Quốc hội CHDCND Triều Tiên, đã làm dấy lên nhiều đồn đoán ở nước ngoài.
|
Nhà lãnh đạo Kim Jong-un đã không xuất hiện trước công chúng kể từ ngày 3/9. |
Theo Japan Times, nhà lãnh đạo Kim Jong-un đã không xuất hiện trước công chúng kể từ ngày 3/9. Đây là một điều không bình thường ở trong một đất nước mà phương tiện truyền thông liên tục cung cấp hình ảnh tuyên truyền về lãnh đạo tối cao giám sát tất cả mọi thứ từ tên lửa đến sản lượng ngũ cốc. Trong khi báo cáo chính thức nói Kim Jong-un không được khỏe, sự vắng mặt của nhà lãnh đạo này đã gây ra cuộc tranh luận về ai là người đang lãnh đạo CHDCND Triều Tiên, một đất nước có 1,2 triệu binh lính và đã từng đe dọa sẽ biến Seoul thành một biển lửa.
Sau khi không tham dự một phiên họp của Hội đồng nhân dân tối cao (Quốc hội Triều Tiên) hồi tháng trước, mọi sự chú ý hiện đang chuyển sang lễ kỷ niệm ngày thành lập Đảng Lao động Triều Tiên ngày 10/10. Giới phân tích đặt câu hỏi: Liệu nhà lãnh đạo Kim Jong-un có xuất hiện trong ngày lễ trọng đại này?
Michael Madden, biên tập viên trang web “Quan sát ban lãnh đạo Bắc Triều Tiên” (North Korea Leadership Watch), nói: "Đó là một sự kiện lớn và ngay cả khi không được khỏe, Kim Jong-un chắc chắn sẽ tham dự sự kiện này. Nếu ông ta không xuất hiện, chuông báo động sẽ thực sự được rung lên”.
Ngày 4/10, hai miền Triều Tiên đã đồng ý nối lại đàm phán hòa giải sau CHDCND Triều Tiên cử đoàn cán bộ cấp cao nhất đến Hàn Quốc. Đoàn đại biểu cao cấp tham dự lễ bế mạc của Thế vận hội châu Á tại Incheon bao gồm các trợ lý thân cận của nhà lãnh đạo Kim Jong-un.
Chuyến thăm bất ngờ của Phó Nguyên soái Hwang Pyong-so đến Hàn Quốc nhân lễ bế mạc Thế vận hội châu Á tại Incheon ngày 4/10 khiến cho các phương tiện truyền thông và mạng xã hội đồn đoán rằng các quan chức quân sự hàng đầu đang nắm thực quyền.
Tuy nhiên, Kim Jung-bong - người đã từng phục vụ tại Cơ quan tình báo quốc gia Hàn Quốc và hiện đang giảng dạy môn khoa học chính trị tại Hanzhong University – lại cho rằng: "Chuyến thăm Hàn Quốc gần đây của các quan chức hàng đầu Bắc Triều Tiên là một dấu hiệu rõ ràng cho thấy ông Kim Jong-un đã củng cố quyền lực. Chính ông Kim đã cử những quan chức cấp cao nói trên đến Hàn Quốc. Hiện không có dấu hiệu nào cho thấy quyền lực của ông bị xói mòn”.
Một bộ phim tài liệu được phát sóng tháng trước trên truyền hình nhà nước Triều Tiên cho thấy nhà lãnh đạo Kim Jong-un nặng nề đi khập khiễng xuất hiện trước công chúng. Báo Chosun Ilbo của Hàn Quốc ngày 30/9 đưa tin rằng Kim Jong-un đã nhập viện sau khi phẫu thuật cả hai mắt cá chân để chưa trị một chấn thương khi ông tiến hành một cuộc thị sát hồi tháng 6/2014.
Giáo sư chuyên về thấp khớp Jun Jae-bum, làm việc tại Bệnh viện Đại học Hanyang, cho biết: "Ông ấy (Kim Jong-un) có thể mắc bất cứ bệnh gì từ bệnh gút đến gãy xương bàn chân. Nhưng không một căn bệnh nào đủ nghiêm trọng để khiến ông không thể đưa ra các quyết định chính trị”.
Nhà lãnh đạo Kim Jong-un đã củng cố quyền lực sau cái chết của cha ông là Kim Jong-il hồi tháng 12/2011. Ông đã tiến hành một loạt các cuộc thanh trừng cao cấp, trong đó có việc loại bỏ Tổng tham mưu Ri Yong-ho, người đã phò tá ông trong quá trình chuyển giao quyền lực, hồi tháng 7 năm 2012.
Cuối tháng 12/2013, nhà lãnh đạo trẻ Kim Jong-un đã loại bỏ chú dượng Jang Song-thaek (trên thực tế là phó tướng) về tội tham nhũng và bè phái.
Trong khi không loại trừ việc nhà lãnh đạo Kim Jong-un có đôi chút vấn đề về sức khỏe, Washington tin rằng cuộc thanh trừng năm ngoái đã củng cố quyền lực của ông. Một quan chức Mỹ, yêu cầu không nêu tên, nói: "Không có dấu hiệu nào cho thấy một cái gì đó lớn đang xảy ra". Ông nói thêm rằng việc ông Kim Jong-un vắng mặt ở một số cuộc họp cấp cao không phải là điều bất thường vì cha và ông nội của ông cũng từng làm như vậy.
|
Kim Jong-un cũng là một người nghiện thuốc nặng và rõ ràng đã tăng cân khá nhiều kể từ khi lên làm lãnh đạo tối cao. |
Kim Jong-un là thế hệ thứ ba trong gia đình lãnh đạo đất nước kể từ khi ông nội Kim Il-sung (Kim Nhật Thành) thành lập nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên vào năm 1948. Kim có một anh trai và một em gái. Anh trai của ông là Kim Jong-nam hiện sống ở nước ngoài. Em gái ông là Kim Yo-jong và có tin nói đang điều hành đất nước, khi sức khỏe của Kim Jong-un xấu đi vì "uống rượu và ăn quá nhiều”. Kim Jong-un cũng là một người nghiện thuốc nặng và rõ ràng đã tăng cân khá nhiều kể từ khi lên làm lãnh đạo tối cao.
Các phương tiện truyền thông Hàn Quốc đồn đoán rằng ông Kim Jong-un có thể bị mắc bệnh gút, tiểu đường, huyết áp cao - hoặc cả ba. Một báo cáo cho biết một đoàn cán bộ y tế của Triều Tiên đã đến Đức và Thụy Sĩ để tham vấn về các vấn đề sức khỏe của nhà lãnh đạo Kim Jong-un.