Mặc dù trong nhân dân và giới y học cổ truyền (YHCT) có quan niệm chung là thuốc YHCT an toàn hơn thuốc hóa dược nhưng trên thực tế không phải không có những nguy cơ khi sử dụng thuốc y học cổ truyền từ dược thảo.
Việt Nam có rất nhiều bài thuốc giá trị được cha truyền con nối. Tuy nhiên, không phải bài thuốc nào cũng thật sự tốt như quảng cáo. Một số người, một số cơ sở đã lợi dụng chữ “thuốc dân tộc”, lợi dụng lòng tin của bệnh nhân … khiến nhiều cơ sở y học cổ truyền làm ăn nghiêm túc bị ảnh hưởng uy tín.
Thuốc YHCT thường sử dụng dược liệu hoặc các hợp chất không tinh khiết chiết từ dược liệu, phối hợp nhiều dược liệu, đôi khi trong thành phần công thức có đến hàng chục loại. Phương pháp chế biến, bào chế thường rất phức tạp, trong nhiều trường hợp chưa làm rõ cơ sở khoa học.
Từ trước đến nay, có quan niệm sai lầm là thuốc từ dược liệu, có nguồn gốc tự nhiên nên không độc. Thực tế chứng minh đây là quan niệm giản đơn và không đúng.
Thuốc cổ truyền khi sử dụng cũng có khả năng gây ra hai loại phản ứng phụ như đối với tân dược: Phản ứng phụ có thể dự đoán được (Typ A) nhờ dựa vào các tác dụng đã biết và mối quan hệ liều lượng - tác dụng; Phản ứng phụ đặc thù (idiosynchratic adverse reaction) không dự đoán trước được (Typ B), không xẩy ra thường xuyên, không liên quan đến liều lượng và có thể gây tử vong.
Những phản ứng có hại có thể dự đoán được (Typ A):
Một số dược thảo/dược liệu có độc và có thể dự đoán được những tác dụng có hại. Ví dụ: Ngộ độc Ô đầu, tác dụng phụ anticholinergic của Cà độc dược, tác dụng mineralocorticoid của Cam thảo, lạm dụng Nhân sâm gây kích thích, mất ngủ, giảm khả năng tình dục, giống oestrogen.
Quá liều: Phản ứng giữa tân dược và dược liệu trong cùng một dạng bào chế. Sử dụng dược liệu không đúng nguyên tắc kết hợp theo lý luận y học cổ truyền:
Tương tư: kết hợp hai dược liệu có tác dụng tương tự làm tăng tác dụng dược lý.
Tương sử: kết hợp hai dược liệu có tác dụng khác nhau trong đó có một dược liệu làm tăng cường tác dụng của dược liệu kia.
Tương ứng: kết hợp hai dược liệu trong đó một dược liệu làm giảm độc tính của dược liệu kia.
Tương sát: Một dược liệu làm mất (khử) độc tính của dược liệu khác.
Tương ố: Hai dược liệu làm mất tác dụng của nhau
Tương phản: Hai dược liệu khi kết hợp với nhau sẽ gây độc
Những tác dụng có hại không tiên đoán được (Typ B):
Dị ứng với các thành phần có trong dược liệu.
Các vấn đề liên quan đến chế biến và bào chế sai, đặc biệt việc chế biến và bào chế ở quy mô công nghiệp.
Nhầm lẫn dược liệu, thay thế các dược liệu không cùng nguồn gốc.
Dược liệu chứa độc tố và/hoặc kim loại nặng: Vi khuẩn, độc tố (endotoxin), nấm mốc, thuốc trừ sâu, diệt cỏ, kim loại nặng: chì, asen, cadmi, thuỷ ngân, các chất phóng xạ
Dược liệu giả mạo hoặc thay thế không đúng: ví dụ thay Nhân sâm bằng: Sâm Siberi (Eleutherococcus senticosus), Sâm Mỹ (Panax quinquifolium), Sâm Nhật (Panax pseudo-ginseng)
Sử dụng dược liệu và tân dược trong thành phẩm YHCT như: thuốc hạ nhiệt (antipyrin, diclofenac, indomethacin, phenylbutazon...), các corticoid và hormon sinh dục (testosteron, methyltestosteron…), sildenafil...
Dược liệu thiếu chuẩn hoá về: loài, điều kiện và quy trình trồng trọt, thời gian thu hái, bộ phận dùng, điều kiện bảo quản, quy trình chế biến và bào chế
Chiến lược Y học cổ truyền giai đoạn 2014-2023 của WHO
Sau hơn 10 năm ban hành và thực hiện Chiến lược YHCT (2002- 2005), Tổ chức y tế thế giới (WHO) nhận thấy bên cạnh những tiến bộ đạt được của các quốc gia thành viên vẫn đang còn tồn tại nhiều vấn đề, trong đó đặc biệt là vấn đề an toàn, chất lượng và khả năng kiểm soát, quản lý quảng cáo và tuyên bố về công dụng của YHCT và thuốc YHCT.
Vì vậy, WHO ban hành bản Chiến Lược YHCT giai đoạn 2014-2023 nhằm hỗ trợ các quốc gia thành viên trong thời gian tới vượt qua các thách thức trong ba lĩnh vực chiến lược sau đây: Quản lý YHCT một cách tích cực; Tăng cường đảm bảo chất lượng, an toàn, sử dụng YHCT (và thuốc YHCT) hợp lý và hiệu quả; Thúc đẩy bao phủ y tế toàn dân bằng cách lồng ghép các dịch vụ YHCT vào hệ thống cung ứng dịch vụ y tế và thực hành tự chăm sóc sức khỏe.
Có thể nói những chính sách và khuyến cáo trong Chiến lược YHCT (2014-2023) của WHO như đã nói trên là kim chỉ nam rất quan trọng để ngành y tế Việt Nam vận dụng vào công tác thừa kế, phát huy và phát triển nền y học cổ truyền quý báu của dân tộc’ phục vụ tốt cho sự nghiệp bao phủ y tế toàn dân và chăm sóc sức khỏe cộng đồng.