Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Nguy cơ dịch chồng dịch khi thời tiết giao mùa

  • Như Quỳnh
(DS&PL) -

Thời tiết đang trải qua giai đoạn giao mùa, mưa nắng đan xen là môi trường thuận lợi cho các vi khuẩn, vi rút gây bệnh sinh sôi và phát triển.

Theo Báo Sài Gòn giải phóng, tại Trung tâm Nhi khoa, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội), những ngày gần đây, số trẻ nhập viện tăng khá cao, khiến một số phòng điều trị quá tải.

Bác sĩ Nguyễn Thành Nam, Giám đốc Trung tâm Nhi khoa, cho biết, theo dịch tễ bệnh dịch, vào giai đoạn cuối tháng 10 và tháng 11, số trẻ nhập viện thường gia tăng, nhất là nhóm trẻ dưới 5 tuổi, do thời tiết thay đổi thất thường khiến trẻ hay mắc một số bệnh đường hô hấp.

Còn tại Bệnh viện Nhi Trung ương, số trẻ được đưa tới khám, điều trị các bệnh về đường hô hấp, cảm cúm tăng khá cao. Theo PGS.TS Lê Thị Hồng Hanh, Giám đốc Trung tâm Hô hấp, Bệnh viện Nhi Trung ương, phần lớn trẻ bị nhiễm virus hợp bào hô hấp, có biểu hiện viêm phổi, ho, sốt, khó thở, một số ca nặng bị suy hô hấp.

Ghi nhận tại TP.HCM cho thấy, những ngày qua, lượng bệnh nhi mắc bệnh hô hấp nhập viện cũng có xu hướng tăng nhanh. 

Theo Báo Thanh niên, ngày 4/11, bác sĩ chuyên khoa 2 Nguyễn Minh Tiến - Phó giám đốc Bệnh viện Nhi đồng Thành phố (TP.HCM) cho biết trong tháng 10 số bệnh nhi đến thăm khám các bệnh đường hô hấp gia tăng, trong số này có khoảng 7% trẻ chuyển nặng phải nhập viện điều trị.

"So với cùng kỳ năm ngoái, số trẻ mắc các bệnh đường hô hấp tại Bệnh viện Nhi đồng Thành phố tăng 14%. Dự báo bệnh vẫn còn tăng và kéo dài đến cuối năm vì thời tiết giao mùa thay đổi chuyển từ nắng sang mưa, nóng sang lạnh thất thường khiến trẻ dễ mắc các bệnh lý về hô hấp", bác sĩ Tiến chia sẻ.

Nguy cơ dịch chồng dịch khi thời tiết giao mùa. Ảnh: SGGP/Hà Nội mới.

Thạc sĩ bác sĩ Nguyễn Văn Đàn, Trưởng Phòng khám Nhi khoa y học cổ truyền, Bệnh viện Đại học Y Dược TP. HCM - Cơ sở 3 cho biết, trong số trẻ đến khám có đến 70-80% tỷ lệ trẻ mắc các bệnh về đường hô hấp. Ngoài trẻ nhỏ thì tại bệnh viện số người lớn mắc các bệnh đường hô hấp cũng gia tăng.

"Thời tiết TP.HCM đang trong giai đoạn chuyển mùa với những buổi sáng se lạnh, trưa lại nắng nóng và mưa chiều. Vì vậy cả người lớn và trẻ em đều rất dễ có nguy cơ mắc phải các bệnh lý đường hô hấp. Trong đó trẻ nhỏ hệ miễn dịch kém nên tỷ lệ mắc bệnh cao hơn. Phụ huynh cần giữ ấm cho trẻ những ngày thời tiết lạnh và bổ sung dinh dưỡng để trẻ có hệ miễn dịch tốt, giảm nguy cơ bị cảm cúm hay ốm vặt", bác sĩ Đàn chia sẻ.

Tại Bệnh viện Nhi đồng 2, TP.HCM, trong những tuần gần đây, số trẻ mắc các bệnh về đường hô hấp gia tăng. Nếu đầu tháng 10, mỗi ngày, khoa Hô hấp 1 tiếp nhận điều trị nội trú trung bình khoảng 170-180 trẻ, thì thời gian gần đây số trẻ điều trị tăng lên khoảng 250 trẻ/ngày.

Cùng với sự gia tăng các bệnh về đường hô hấp, một số dịch bệnh khác vẫn diễn biến phức tạp. Mới đây, tại Hà Nội đã ghi nhận 2 trẻ ở huyện Chương Mỹ và huyện Phúc Thọ bị viêm não Nhật Bản.

Bác sĩ Nguyễn Văn Lâm, Giám đốc Trung tâm Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Nhi Trung ương, cho biết, viêm não Nhật Bản rất nguy hiểm, có tỷ lệ tử vong lên đến 30%, thậm chí người được điều trị khỏi bệnh vẫn có những di chứng vĩnh viễn như: rối loạn tâm thần, liệt, rối loạn ngôn ngữ, co giật, động kinh.

Trẻ nhỏ mắc viêm não Nhật Bản thường có các triệu chứng như: sốt, đau đầu, buồn nôn, nôn, mệt mỏi, ớn lạnh…; với những trường hợp bệnh nặng có thể có các biểu hiện co giật, giảm khả năng nhận thức.

Trong khi đó, dịch SXH vẫn tiếp tục "căng thẳng” tại nhiều địa phương trong cả nước. Theo thống kê của Bộ Y tế, toàn quốc hiện đã ghi nhận trên 95.000 ca mắc SXH, trong đó có 26 ca tử vong. Trong số các địa phương, số ca mắc SXH ở Hà Nội vẫn rất cao. Tích lũy từ đầu năm 2023 đến nay, trên địa bàn Hà Nội có hơn 28.400 ca mắc SXH (tăng 2,7 lần so với cùng kỳ năm 2022) và đã có 4 ca tử vong.

GS.TS Phan Trọng Lân, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, chỉ rõ, công tác phòng chống dịch SXH đang đối mặt với nhiều khó khăn, đòi hỏi các hoạt động chống dịch phải được triển khai kiên trì, liên tục và quyết liệt, nhất là trong những đợt cao điểm, để khống chế số ca mắc và số ca tử vong.

Tại TP.HCM, số ca mắc SXH tuy giảm 11% so với tháng trước nhưng vẫn ở mức cao. Tính từ đầu năm đến nay, TP.HCM ghi nhận 15.037 ca mắc SXH; các quận, huyện có số ca mắc SXH cao là quận 1, quận Bình Thạnh và quận 8. Trong khi đó, số ca mắc tay chân miệng cũng có xu hướng tăng trở lại (tăng 14% so với tháng trước). Lũy kế từ đầu năm đến nay, TP.HCM ghi nhận 34.521 ca. Các quận, huyện có số ca mắc tay chân miệng cao là quận Bình Tân, huyện Nhà Bè và huyện Bình Chánh.

Như Quỳnh (T/h)

Tin nổi bật