Ngày càng có nhiều người Hàn Quốc tử vong vì làm việc quá sức – một hệ lụy nghiêm trọng xảy ra trong xã hội hiện đại ngày nay.
Nhịp sống nhanh, áp lực công việc quá lớn khiến nhiều người Hàn Quốc kiệt sức. Ảnh minh họa: CNN |
Tử vong vì làm việc quá sức
Bà Park Huyn-suk mất khá nhiều thời gian “lục” trong điện thoại để tìm thấy một tấm ảnh chụp chung với người chồng đã qua đời vì gwarosa, ám chỉ tình trạng chết vì làm việc kiệt sức. “Tôi cứ nghĩ là vợ chồng tôi đã chụp vài bức ảnh với nhau rồi cơ. Cuối cùng chúng tôi lại không đi cùng nhau trong chuyến đi này”, bà Park vừa nói vừa tiếp tục kéo ngón tay trên màn hình điện thoại.
Khi con gái của bà vận dụng hết trí nhớ để trợ giúp, cuối cùng bà Park cũng tìm thấy một tấm ảnh, trong đó chồng bà đang mặc bộ quần áo và đội mũ bảo hộ.
Ông Chae Soo-hong, chồng bà Park, từng làm việc trong một công ty cung cấp món ăn jangjorim. Đây là món ăn nổi tiếng Hàn Quốc nấu từ thịt bò và nước tương. Nhiệm vụ của ông Chae là đảm bảo dây chuyền sản xuất vận hành đúng thời gian quy định và đảm bảo tiêu chuẩn.
Vào những ngày trong tuần, ông Chae sẽ tới nhà máy của công ty và giám sát sản xuất. Mỗi thứ 7, ông sẽ tới trụ sở hoàn thiện thủ tục giấy tờ. Ngay cả sau khi tan sở, công việc của ông Chae vẫn chưa thể hoàn tất. Ông sẽ dành một buổi tối gọi điện cho các công nhân nhà máy, hầu hết là lao động nhập cư, hỏi han tình hình và cố gắng giúp họ điều chỉnh cuộc sống ở Hàn Quốc.
Bà Park nói với CNN: “Khi ông ấy mới vào công ty làm từ năm 2015, quy mô chỉ là 30 nhân viên. Nhưng khi ông ấy qua đời, công ty đã có 80 nhân viên và công việc của ông ấy không ngừng tăng lên”. Khi quy mô công ty tiếp tục được mở rộng, ông Chae phải đảm đương nhiều việc, nhiều việc hơn nữa, đến mức mỗi khi được ở nhà, ông giành hầu hết thời gian để ngủ.
Ông Chae qua đời vào khoảng 19h00 một ngày thứ 7 hồi tháng 8/2017. Vào buổi sáng, khi chuẩn bị đi làm, ông Chae nói rằng ông cảm thấy rất mệt, nhưng bà Park không quá để tâm vì chồng bà lúc nào cũng thấy mệt mỏi. “Lẽ ra tôi nên nhận ra rằng ông ấy bị ốm. Chồng tôi đã không về nhà ngày hôm đó”, bà Park cho biết. Đồng nghiệp của ông Chae phát hiện ông gục ngã trên sàn ở văn phòng. Không thể xác định được nguyên nhân chính xác gây ra cái chết của ông.
Vợ chồng bà Park Hyun-suk và ông Chae Soo-hong khi ông còn sống. Ảnh: Getty |
Ông Chae chỉ là 1 trong hàng trăm người chết năm 2017 vì tình trạng kiệt sức khi làm việc, theo dữ liệu của chính phủ Hàn Quốc. Trong các nước thuộc Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), số giờ làm việc mỗi tuần của người Hàn Quốc nhiều hơn trung bình toàn bộ các nước, và nhiều hơn 50% so với Đức.
Hồi tháng 7/2018, chính phủ Hàn Quốc đã ban hành luật nhằm giảm thời gian làm việc tối đa mỗi tuần từ 68 giờ xuống 40 giờ, với 12 giờ làm việc quá giờ. Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in nói rằng “đây sẽ là một cơ hội quan trọng để thay đổi từ một xã hội nghiện việc tới một xã hội dành nhiều thời gian hơn với gia đình”.
Tuy nhiên, với những gia đình có thân nhân đã chết vì làm việc kiệt sức, họ phải đối diện với cuộc chiến mới, “trận chiến” đòi tiền bồi thường.
Đấu tranh để đòi tiền bồi thường
Vì ông Chae qua đời tại văn phòng, bà Park cho rằng cái chết của ông sẽ được xếp vào trường hợp qua đời vì công việc và sẽ được nhận tiền bồi thường. Tuy nhiên, bà phát hiện ra rằng quá trình này phức tạp hơn rất nhiều so với suy nghĩ ban đầu.
Cơ quan phúc lợi và bồi thường người lao động Hàn Quốc (COMWEL) yêu cầu bà Park phải chứng minh rằng ông Chae chết khi đang làm việc. “Đó thực sự là một thách thức. Ông ấy thường rời nhà lúc 7h00 và quay trở về lúc 22h00 và không có nhật ký lưu lại thời gian làm việc”, bà Park nói.
Luật pháp Hàn Quốc không chính thức thừa nhận những cái chết do làm việc quá tải, nhưng COMWEL thường thụ lý các vụ việc qua đời vì đau tim và đột quỵ vì làm việc nhiều hơn 60 giờ mỗi tuần trong 3 tháng. Cơ quan này sẽ coi những vụ việc này là chết vì làm việc kiệt sức và các gia đình thân nhân sẽ nhận được tiền bồi thường tử vong, hỗ trợ họ khi nguồn thu nhập chính của gia đình đã qua đời.
Dựa theo điều luật này và bà Park chứng minh được ông Chae làm việc tới 180 giờ trong nhiều tuần liên tiếp và điều này đã khiến ông tử vong, bà là một trong những người may mắn nhận được tiền.
Không chỉ ở Hàn Quốc mà cả ở Nhật Bản và một số quốc gia khác trên thế giới, môi trường sống cạnh tranh, áp lực công việc quá lớn đang khiến rất nhiều người gặp phải vấn đề sức khỏe tâm, sinh lý, thậm chí là đột tử.
PHƯƠNG PHƯƠNG (Theo CNN)