Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Người đầu tiên thành lập ngân hàng của người Việt tại nước ngoài: “Đàn ông khôn ngoan nên nghe lời vợ mình”

(DS&PL) -

Trong một chiều cuối tuần Sài Gòn đầy nắng, vị chuyên gia dày dạn kinh nghiệm đã có những chia sẻ thân tình với PV báo Đời sống & Pháp luật về chuyện đời, chuyện nghề...

Trong một chiều cuối tuần Sài Gòn đầy nắng, vị chuyên gia dày dạn kinh nghiệm đã có những chia sẻ thân tình với PV báo Đời sống & Pháp luật về chuyện đời, chuyện nghề, về lần khởi nghiệp trên đất khách cách đây hàng chục năm.

Tiến sỹ Nguyễn Trí Hiếu.

PV: Thưa ông, câu chuyện “khởi nghiệp” ngành ngân hàng với số vốn hàng chục triệu đô có gì khác so với thời nay không?

TS. Nguyễn Trí Hiếu: Khởi nghiệp thì ngành nào hay thời nào cũng khó khăn như nhau thôi (cười). Tuy nhiên, việc mở một ngân hàng khác hoàn toàn với việc thành lập một doanh nghiệp bình thường, đặc biệt việc xin giấy phép hoạt động là trở ngại lớn nhất. Tiếp đó, việc huy động vốn cũng là một câu chuyện dài.

Yêu cầu đặt ra cho cổ đông sáng lập phải là những nhà đầu tư có tiềm lực về kinh tế, có kiến thức am hiểu về ngành ngân hàng và không có “tì vết” hay án tích trong quá khứ. Ngoài ra, tương tự như các doanh nghiệp khởi nghiệp trong các lĩnh vực kinh tế khác, các ngân hàng khởi nghiệp phải đối diện với sự cạnh tranh khốc liệt từ các “ông lớn” đã có mặt trên thị trường hàng trăm năm trước.

PV: Gia đình đã hỗ trợ thế nào cho quyết định “khởi nghiệp” của ông?

TS. Nguyễn Trí Hiếu: Trong 33 triệu USD cổ phiếu bán được ban đầu, có 1 triệu USD là “vốn mồi” từ một số người trong gia đình, bạn bè thân hữu và một số đồng nghiệp của tôi. Lúc đó vợ tôi và các con ủng hộ kế hoạch này. Tuy vậy vợ tôi cũng tỏ ra khá lo lắng cho những rủi ro có thể gặp phải khi tôi đem tất cả tài sản của gia đình đóng góp vào việc thành lập FVAB.

Vợ tôi từng nói: “Coi chừng, anh làm ngân hàng anh đã rõ, không nên bỏ tất cả mọi quả trứng vào một giỏ. Nếu thất bại thì gia đình sẽ mất hết”. Lúc bấy giờ tôi không nghe, tôi bảo “làm sao có chuyện đó được!” nhưng sự thực thì điều đó đã xảy ra.

PV: Vậy trong trường hợp này thì phụ nữ đúng phải không ông?

TS. Nguyễn Trí Hiếu: Đương nhiên! (cười) Với tôi thì phụ nữ luôn đúng và đàn ông khôn ngoan thì trong những lúc quyết định, nên lắng nghe lời khuyên từ bạn đời của mình. Năm 2005 - 2006 khi FVAB mới thành lập thì tôi rất tự tin do có rất nhiều người ủng hộ, kể cả những giới chức trong chính phủ tiểu bang và liên bang nhưng khủng hoảng kinh tế năm 2008 đã ảnh hưởng rất lớn đến hệ thống ngân hàng Mỹ và thế giới, FVAB không nằm ngoài quy luật đó, nguyên nhân chủ yếu bắt nguồn từ tập trung cho vay bất động sản.

Nếu người Việt hay nói câu “họa vô đơn chí” thì người Mỹ cũng có “Định luật Murphy” (Murphy's Law) vô cùng thông dụng. Nó là “Whatever may happen, it will” – “Điều gì có thể xảy ra thì nó sẽ xảy ra”. Vợ tôi cũng đã từng cảnh báo: “Không nên bỏ tất cả trứng vào cùng một giỏ” nhưng tôi đã rót hết toàn bộ vốn liếng, tâm huyết cho Đệ nhất Ngân hàng Việt Mỹ và rồi không may đã gặp phải khó khăn không thể vượt qua sau 4 năm thành lập.

Năm 2009, Hội đồng quản trị đã quyết định bán FVAB cho Green Point Bank ở Los Angeles và lỗ khá lớn. May mắn, công việc của vợ tôi là giáo sư trung học và thất bại từ FVAB không ảnh hưởng quá lớn đến kinh tế gia đình.

PV: Từ câu chuyện của mình, ông có lời khuyên nào cho các start-up Việt?

TS. Nguyễn Trí Hiếu: Đó là “Never give up!” – Không bao giờ bỏ cuộc. Có hơn 90% doanh nghiệp khởi nghiệp sẽ thất bại ngay trong 3 năm đầu tiên và thực sự may mắn nếu bạn nằm trong 10% còn lại. Có hàng loạt khó khăn như thiếu vốn, thị trường, quản lý, quy định pháp luật... sẽ đánh gục những doanh nghiệp khởi nghiệp dễ dàng. Nhưng khi đã xắn tay vào làm phải luôn nghĩ “thua keo này ta bày keo khác” và đừng bao giờ bỏ qua lời khuyên của những người xung quanh như gia đình, bạn bè.

Bên cạnh đó, để chuẩn bị đối mặt với những khó khăn trước mắt, ít nhất doanh nghiệp phải có kế hoạch dài hơi cho 3 năm đầu (kế hoạch tài chính, kế hoạch kinh doanh sản xuất, kế hoạch marketing, kế hoạch nhân sự và kế hoạch quản lý các rủi ro). Đừng bao giờ kinh doanh theo trào lưu trong khi mình không có kiến thức, kinh nghiệm trong ngành đó. Tôi thường chia sẻ với các bạn là hãy làm điều gì mình có thể làm tốt nhất và tập trung vào điều đó.

PV: Hiện tại, sau khi quay trở về Việt Nam thì ông đang giữ chức vụ gì?

TS. Nguyễn Trí Hiếu: Tôi đã quay về Việt Nam công tác trong ngành ngân hàng được 8 năm và trải qua nhiều chức vụ lãnh đạo tại các ngân hàng như TPBank, LienVietPostBank, ABBank, Ocean Bank, Ngân hàng Xây dựng... và hiện nay là một cố vấn cấp cao cho một ngân hàng thương mại tại TP.Hồ Chí Minh. Ngoài ra tôi cũng là một cố vấn cho một chương trình tái cơ cấu của ngân hàng Agribank do Ngân hàng Thế giới (World Bank) tài trợ vào năm 2013.

Làm việc tại nhiều ngân hàng như vậy, mỗi ngân hàng có những đặc thù, cơ cấu quản trị khác nhau khiến tôi trau dồi được kinh nghiệm thực tế, nhìn nhận vấn đề theo chiều sâu. Phần thưởng lớn nhất của tôi sau khi trở về Việt Nam đó là đóng góp ý kiến chuyên môn của mình cho hệ thống ngân hàng trong nước qua nhiều năm làm việc với Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước, các ngân hàng thương mại và đóng góp nhận định với tất cả thành phần kinh tế qua các phương tiện thông tin đại chúng.

Tuy rằng những đóng góp chưa được như ý nguyện nhưng tôi cũng cảm thấy mãn nguyện vì những gì mình làm được cho ngành tài chính – ngân hàng 8 năm qua. Nói tóm lại, tôi vui vì đã có cơ hội đồng hành với ngành ngân hàng trong giai đoạn nhiều biến chuyển nhất trong lịch sử đương đại của ngành ngân hàng Việt Nam.

PV: Một ngày làm việc của lãnh đạo ngân hàng như thế nào? Thu nhập theo mặt bằng chung có cao như báo chí phản ánh không, thưa ông?

TS.Nguyễn Trí Hiếu: Tôi cũng làm việc như một cán bộ ngân hàng bình thường thôi, sáng cắp ô đi, chiều cắp cặp về (cười lớn). Công việc cụ thể của tôi là cố vấn cấp cao cho lãnh đạo ngân hàng trong các mảng từ hội đồng tín dụng, xây dựng kế hoạch chiến lược. Tôi cũng là thành viên của hội đồng ALCO (Ủy ban quản lý tài sản) của ngân hàng. Về thu nhập thì tôi xin phép không tiết lộ cụ thể nhưng thấp hơn ở Mỹ rất nhiều.

Cách đây chục năm thì con số tôi được trả là gần 200.000 USD/năm, bây giờ chỉ còn một phần. Tuy nhiên, thu nhập hiện nay phù hợp với mức sống của người Việt tại TP.HCM. Tôi cũng bật mí là mỗi tháng tôi vẫn gửi tiền về hỗ trợ sinh hoạt gia đình ở bên Mỹ, nên cuộc sống của tôi tại thành phố khá tằn tiện. Lương cao không phải mục đích của tôi khi về Việt Nam mà tâm nguyện muốn đóng góp cho ngành tài chính – ngân hàng nước nhà. Tôi sinh ra và lớn lên, khởi nghiệp và phát triển sự nghiệp đều cống hiến cho ngành ngân hàng và có lẽ cho đến ngày cuối đời tôi vẫn sẽ gắn bó với ngành này.

PV: Có kỷ niệm nào đáng nhớ khi ông sinh sống tại Việt Nam hay không?

TS. Nguyễn Trí Hiếu: Ngoài giờ làm thì tôi còn đến trung tâm Akido (Hiệp khí đạo) để tập và dạy vào thứ 2, 4, 6 hằng tuần. Đây cũng là thói quen tôi duy trì được từ khi về Việt Nam cho đến nay. Cuộc sống ở đây khá thoải mái, thời tiết, con người và cả cách kinh doanh ở Sài Gòn có sự khác biệt rất lớn với Hà Nội. Tính tình người dân ở đây thoải mái hơn, niềm nở hơn và có phần giống với phong cách phương Tây hơn. Việc kinh doanh ở đây cũng dễ phát triển hơn, linh hoạt hơn, phù hợp với tính cách con người tôi.

Có một điều khác biệt rõ nhất đó là cách phục vụ tại các nhà hàng, các doanh nghiệp ở TP.HCM và Hà Nội, bún “mắng” và cháo “chửi” mà vào đây mở nhà hàng chắc bị dẹp tiệm chỉ sau một ngày. Dù vậy, tôi vẫn sợ nhất là “văn hóa nhậu” của người Sài Gòn. Do mình không biết uống, uống thì được nhưng không thấy ngon nên mỗi lần được rủ đi “nhậu” thì tìm cớ để tránh. Hy vọng một ngày nào đó Sài Gòn sẽ giống như Singapore, có uống bia, uống rượu, nhưng uống để thưởng thức chứ không phải uống để “thể hiện” và gây ra những tệ nạn trong xã hội.

PV: Xin cảm ơn ông!

Hoa Liên

Dẫn nguồn báo giấy Đời sống & Pháp luật tháng số 26

Tin nổi bật