Có hơn 200 triệu chứng cảnh báo bệnh ung thư, do đó phát hiện sớm các dấu hiệu có thể giúp bệnh nhân thoát khỏi “cửa tử”. Dù vậy, triệu chứng của ung thư có thể rất nhỏ hoặc không biểu hiện rõ ràng ở giai đoạn đầu nên dễ bị bỏ qua.
Hồi năm 2018, ông Richard Seddon (57 tuổi) được chẩn đoán mắc bệnh ung thư tuyến tiền liệt. Người đàn ông tiếp tục phát hiện bị ung thư vòm họng vào năm 2021. Mặc dù nhận chẩn đoán gây sốc nhưng ông vẫn vô cùng lạc quan và tin rằng chính suy nghĩ tích cực đã giúp ông vượt qua tất cả.
Dấu hiệu chính của ung thư tuyến tiền liệt là thay đổi thói quen đi vệ sinh, trong khi người mắc ung thư vòm họng thường bị ho dai dẳng. Tuy nhiên, còn có nhiều dấu hiệu cảnh báo sớm khác mà mọi người cần lưu ý. Nhiều triệu chứng trong số đó có thể không liên quan tới ung thư.
Với trường hợp của ông Richard, cha ông qua đời do mắc ung thư tuyến tiền liệt. Điều này khiến người đàn ông càng phải cảnh giác hơn. Ông đã tiến hành kiểm tra gen ở Bệnh viện Royal Marsden (Surrey, Anh) với giáo sư Rosalind Eeeles.
Ngoài ra, ông còn xét nghiệm di truyền phát hiện những thay đổi trong gen có thể gây ra các vấn đề sức khỏe. Được biết, xét nghiệm này chủ yếu được sử dụng để chẩn đoán các tình trạng sức khỏe hiếm gặp, di truyền và một số bệnh ung thư.
“Tôi được thông báo mình có nguy cơ mắc ung thư tuyến tiền liệt nhưng anh trai tôi – người cũng tham gia kiểm tra, thì không”, ông Richard chia sẻ.
Mặc dù mắc 2 bệnh ung thư khác nhau, người đàn ông vẫn lạc quan tin rằng cuộc sống của mình may mắn, hạnh phúc dành thời gian bên gia đình và hướng về tương lai. Ảnh: Richard Seddon
Người đàn ông phát hiện điều bất ổn khi thấy máu trong tinh dịch của mình. Ngay sau đó, ông đã đến gặp bác sĩ để làm xét nghiệm xác định nguyên nhân, cuối cùng được thông báo mắc ung thư tuyến tiền liệt.
Ông đã phải trải qua cuộc phẫu thuật cắt bỏ tuyến tiền liệt triệt để nhằm đảm bảo ung thư không lan rộng. Sau khi khỏi ung thư tuyến tiền liệt, ông Richard tiếp tục được chẩn đoán mắc ung thư vòm họng vào năm ngoái.
“Tôi chưa từng hút thuốc, uống rượu bia cũng điều độ nên đó thực sự là một cú sốc. Tôi có một khối u bất thường ở phần cổ gần quai hàm. Ban đầu, tôi tưởng đó là dấu hiệu liên quan đến COVID-19 nhưng khi tình trạng không đỡ, tôi nghĩ đến vấn đề nguy hiểm hơn. Sau khi đến gặp bác sĩ, tôi được thông báo mắc ung thư vòm họng do virus HPV”, ông Richard nhớ lại.
HPV là loại virus gây ra hầu hết các ca mắc ung thư cổ tử cung. Đây cũng là căn bệnh khiến mẹ của ông Richard qua đời ở tuổi 52. UCI Health cảnh báo, đa số mọi người có thể bị nhiễm trùng cổ họng do virus và tự khỏi nhưng có một số trường hợp tiếp tục phát triển thành ung thư ở cổ họng hoặc amidan khoảng 20 – 30 năm sau đó.
Người đàn ông 57 tuổi đã trải qua 2 đợt hóa trị bắt đầu từ tháng 12/2021. Sự lạc quan và sức mạnh đã giúp ông khỏi hẳn ung thư vòm họng vào ngày 6/6/2022.
Ông nhớ lại khoảng thời gian điều trị: “Tôi nấu một bàn đồ ăn lớn cho gia đình vào dịp Giáng sinh nhưng không thể thưởng thức do tác dụng phụ của việc điều trị. Có thời điểm vị giác của tôi tệ đến mức tôi không thể phân biệt được muối và đường nhưng rồi nó dần dần quay lại. Tôi xác định được lượng muối và đường được cho vào nhiều món ăn”.
Từ trải nghiệm của mình, ông Richard khuyên mọi người đừng quá e ngại với các biểu hiện bất thường về sức khỏe, cũng đừng lo lắng về việc tốn thời gian khi phải gặp bác sĩ hoặc làm thêm các xét nghiệm, nhất là với nam giới.
Đinh Kim (Theo Mirror)