Người bị bệnh ung thư có nguy cơ mắc COVID-19 cao
Theo Sức khỏe & Đời sống, mặc dù bất kỳ ai cũng có nguy cơ bị nhiễm COVID-19 nhưng người bệnh ung thư có nguy cơ nhiễm cao hơn và diễn biến nặng cũng nặng hơn. Do bản thân bệnh ung thư hoặc do tác dụng phụ của việc điều trị ung thư (hóa trị, cấy ghép tủy xương…) làm suy giảm miễn dịch cơ thể.
Một số loại ung thư có nguy cơ cao bị bệnh nặng hơn đối với COVID-19: Các bệnh ung thư máu, chẳng hạn như bệnh bạch cầu, có thể có nguy cơ cao hơn ung thư dạng khối, do ung thư máu ảnh hưởng đến hệ thống miễn dịch nhiều hơn.
Vì nhiều phương pháp điều trị ung thư không thể áp dụng tại nhà, nên những người mắc ung thư phải đến trung tâm ung thư để điều trị sẽ có nguy cơ cao tiếp xúc với virus SARS-CoV-2.
Ảnh minh họa.
Người bệnh ung thư có thể trì hoãn hoá trị trong mùa dịch COVID-19 không?
Việc thay đổi kế hoạch hoá trị ở người bệnh ung thư tùy thuộc vào từng cá nhân cụ thể như giai đoạn bệnh, tuổi, tình trạng cơ thể... để từ đó bác sĩ sẽ cân nhắc và có liệu trình cụ thể.
Ngoài ra, việc trì hoãn điều trị hay không phụ thuộc vào mục tiêu điều trị của người bệnh, sự đáp ứng với liệu trình điều trị và người bệnh có gặp tác dụng phụ trong quá trình điều trị hay không…
Từ đó các bác sĩ phải đánh giá toàn thể mới đưa ra có quyết định nên hay không trì hoãn, ngưng hoá trị để hạn chế dự phòng sự lây nhiễm của COVID-19 trong mùa dịch.
Đối với một số khu vực, địa phương khu vực cách ly hoặc trung tâm ung thư đang bị phong toả, người bệnh ung thư có thể được cho nghỉ ngơi khoảng 2 tuần hoặc được chuyển đến một bệnh viện khác không bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh để điều trị được liên tục.
Người bị bệnh ung thư có nên tiêm phòng vaccine COVID-19?
Ung thư là một bệnh lý nền khiến bệnh nhân có nhiều nguy cơ tiến triển nặng và rất nặng khi nhiễm virus SARS-CoV-2. Do đó hầu hết người trưởng thành bị ung thư hoặc có tiền sử ung thư, nên tiêm vaccine phòng ngừa COVID-19.
Đối với các bệnh nhân ung thư và đang điều trị ung thư, điều quan trọng là phải nói chuyện với bác sĩ điều trị của mình trước khi tiêm liều đầu tiên của bất kỳ loại vaccine nào. Loại ung thư và phương pháp điều trị của bệnh nhân sẽ là một yếu tố để xem xét lựa chọn vaccine. Bác sĩ điều trị ung thư sẽ thảo luận về rủi ro, lợi ích, lịch trình và những điều bệnh nhân ung thư nên lưu ý trước khi tiêm liều vaccine đầu tiên.
Những bệnh nhân ung thư thuộc một trong các nhóm ưu tiên được tiêm vaccine COVID-19 sớm. Ngoài ra, các bệnh nhân ung thư thường ở lứa tuổi cao, đây cũng là một nhóm thuộc diện được ưu tiên tiêm vaccine sớm. Nhưng việc có thể được tiêm vaccine ngay hay không còn phụ thuộc vào nguồn cung cấp vaccine sẵn có và tình trạng bệnh tại thời điểm tiêm vaccine.
Nếu có sẵn vaccine, có thể trì hoãn việc bắt đầu một số phương pháp điều trị ung thư không khẩn cấp cho đến khi hoàn tất việc tiêm phòng. Tuy nhiên, không nên trì hoãn hầu hết các phương pháp điều trị ung thư để đợi tiêm chủng xong. Cụ thể từng trường hợp, bác sĩ điều trị ung thư có thể tư vấn về thời gian tiêm phòng liên quan đến việc điều trị ung thư của bệnh nhân. Tùy thuộc vào các phương pháp điều trị ung thư đang thực hiện, bác sĩ có thể có những cân nhắc đặc biệt khác cho bệnh nhân ung thư khi tiêm vaccine.
Cuối cùng, điều quan trọng cần lưu ý là những bệnh nhân ung thư có xu hướng bị suy yếu hệ thống miễn dịch. Điều này có thể làm cho vaccine kém hiệu quả hơn. Hiện tại, các vaccine được chứng minh là có hiệu quả trong việc ngăn ngừa bệnh COVID-19 vừa và nặng, giảm tỉ lệ phải nhập viện… sau thời gian tiêm chủng đủ tạo ra kháng thể (tùy thuộc mỗi loại vaccine). Nhưng rất khó để biết liệu bệnh nhân ung thư có cùng mức độ đáp ứng đó hay không.
Ảnh minh họa.
Người nhân ung thư cần làm gì trong mùa dịch COVID-19?
Đối với nguyên tắc phòng bệnh cho bệnh nhân ung thư cũng tương tự như mọi người, tuy nhiên, do đặc thù bệnh lý nên chú ý đến chế độ dinh dưỡng cần đa dạng, chia thành nhiều bữa, đủ đạm, nhiều rau củ quả,… uống đủ nước, các loại nước ép trái cây.
Nếu đang bị suy dinh dưỡng cần bổ sung dinh dưỡng cho bệnh nhân ung thư giàu năng lượng, đạm, Các thực phẩm giàu Omega-3, argrinin, kẽm, các vitamin và vi chất.
Tập thể dục ít nhất 30 phút/ngày, 5 ngày/ tuần, duy trì giấc ngủ đủ thời gian 6 - 8 tiếng.
Cần nỗ lực duy trì lâu dài và đều đặn để hệ miễn dịch vững vàng và hiệu quả, tạo điều kiện cho bệnh nhân ung thư điều trị bệnh ung thư trong mùa dịch.
Linh Chi (T/h)