Cuối tháng 10/2023, Bloomberg đưa tin Liên minh châu Âu (EU) đã thông báo cho các quốc gia thành viên rằng, cam kết cung cấp cho Ukraine 1 triệu viên đạn pháo vào tháng 3/2024 “khó có thể thực hiện được”.
Theo tờ Ukrainska Pravda, trước yêu cầu bình luận về thông tin nói trên, Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba chia sẻ: “Thật không may, Bloomberg đang nói sự thật. Có những câu hỏi đặt ra và chúng tôi đang rung lên rất nhiều hồi chuông cảnh báo”.
Ngoại trưởng Kuleba nói thêm, nguyên nhân dẫn đến việc này không phải do EU thiếu ý chí chính trị, mà là vì “tình trạng của ngành công nghiệp quốc phòng” cũng như “nhiều thứ không đồng bộ”.
“Liên minh châu Âu đang nỗ lực khắc phục những vấn đế này, và đó là lý do vì sao khi ở Berlin, tôi đã kêu gọi Liên minh châu Âu phát triển một chính sách liền mạch trong lĩnh vực công nghiệp quốc phòng”, Ngoại trưởng Ukraine nhấn mạnh. Theo ông, EU đã bắt đầu thực hiện các bước nhất định để khắc phục tình hình.
Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba. Ảnh: Ukrainska Pravda
Ngoại trưởng Kuleba cũng cho hay: “Nhưng chúng tôi cần hành động nhanh hơn và nhiều hơn nữa. Chúng tôi thực sự đánh giá cao sự hỗ trợ của Liên minh châu Âu, tuy nhiên, chúng tôi sẽ thúc đẩy họ về vấn đề này”.
Trong diễn biến liên quan, RT dẫn lời người đứng đầu chính sách đối ngoại của EU Josep Borrell cho biết, liên minh này đã phê duyệt ít nhất 27 tỷ euro viện trợ quân sự trực tiếp cho Ukraine kể từ năm 2022.
Trao đổi với phóng viên trước cuộc họp của EU tại Brussels (Bỉ) hôm 13/11, ông Borrell đã phác thảo chương trình nghị sự cho sự kiện này, nhấn mạnh rằng ngay cả khi căng thẳng gia tăng ở Trung Đông thì các cuộc gia thành viên không nên “quên Ukraine”.
“Sự hỗ trợ của chúng tôi ngày càng tăng. Tôi có thể nói rằng con số đã đạt đến mức hỗ trợ quân sự trị giá 27 tỷ euro. Đây là con số cao nhất từng đạt được. Chúng tôi tiếp tục huấn luyện binh sĩ Ukraine. Chúng tôi tiếp tục hỗ trợ Kiev”, ông Borrell nói.
EU dự kiến thảo luận về viện trợ bổ sung cho Ukraine, tuy nhiên một số quốc gia thành viên được cho là đã phản đối việc này. Tuần trước, Reuters dẫn lời nhiều nhà ngoại giao cấp cao cho biết, Đức đã đặt ra nhiều câu hỏi về kế hoạch chi tiêu trị giá 20 tỷ euro được ông Borell ủng hộ, trong khi các quốc gia khác có khả năng gặp khó bởi “tình hình tài chính công thực tế”.
EU hiện đang tìm cách cung cấp 1 triệu quả đạn pháo cho Ukraine vào tháng 3/2024. Theo Bloomberg, đến nay EU mới chỉ cung cấp được 30% mục tiêu và có nguy cơ lỡ hẹn, căn cứ số lượng hợp đồng đã ký.
Hôm 13/11, ông Borrell thừa nhận rằng EU “có thể không đạt được mục tiêu vào cuối năm 2023” nhưng lưu ý rằng các quốc gia thành viên đã “bắt đầu sản xuất đạn dược” và “các dây chuyền đã bắt đầu hoạt động”.
“Điều đó phụ thuộc vào việc các hợp đồng sẽ được thực hiện nhanh ra sao, các nhà máy sẽ sản xuất nhanh thế nào. Mục tiêu là răng năng xuất”, người đứng đầu chính sách đối ngoại của EU cho biết.
Ông Josep Borrell - người đứng đầu chính sách đối ngoại của Liên minh châu Âu (EU). Ảnh: RT
Theo thông tin trên RT, các lực lượng của Kiev đã tiêu tốn nguồn cung cấp lớn đạn dược và các trang thiết bị quân sự khác trong cuộc xung đột với Moscow. Các quan chức Ukraine liên tục yêu cầu thêm vũ khí và đạn dược từ phương Tây.
Bất chấp sự viện trợ của phương Tây, cuộc phản công mùa hè của Ukraine đã bị trì hoãn sang mùa thu, với việc quân đội phải vật lộn để vượt qua các công sự kiên cố của Nga.
Bộ Quốc phòng Nga ước tính, Ukraine đã thiệt hại hơn 90.000 binh sĩ, cùng hơn 55 xe tăng và 1.900 xe bọc thép kể từ khi bắt đầu chiến dịch phản công vào tháng 6/2023.
Đinh Kim (Theo Ukrainska Pravda, RT)