Nhiều người cho rằng, công nghệ Blockchain chỉ dành cho Bitcoin. Tuy nhiên, tính ứng dụng của nó đã vượt xa dự đoán của nhiều người.
Blockchain là công nghệ lưu trữ và truyền tải thông tin bằng các khối được liên kết với nhau và mở rộng theo thời gian do đó được gọi là chuỗi khối (blockchain). Ngoài ra, Blockchain còn được định nghĩa là một sổ cái mở và phân quyền, công nghệ blockchain có khả năng ghi chép lại và xác minh các giao dịch mà không cần tín nhiệm cho một cơ quan trung gian nào đó.
Bản thân công nghệ này tồn tại như một file lưu trữ rất nhiều các giao dịch được ghi chép lại gọi là khối (block). Mỗi khối chứa một dấu thời gian (timestamp) và một dãy số dẫn tới khối trước đó hay còn gọi là "dấu vân tay". Blockchain được thiết kế vô hiệu hóa với việc sửa đổi dữ liệu và không thể hồi tố.
Nhiều công việc hiện đã bị công nghệ blockchain thay thế. |
Công nghệ blockchain có 3 đặc điểm nổi trội:
Thứ nhất là tính phổ biến. Blockchain có thể cung cấp những bút toán giống hệt nhau cho mọi người. Không phân biệt tính chất thông tin hay đối tượng nhận thông tin là ai, blockchain phổ biến tất cả thông tin được cập nhật cho tất cả những ai tham gia vào mạng lưới.
Thứ hai là tính cố định. Nhờ cấu trúc chuỗi khối, blockchain chống lại mọi sự thay đổi thông tin một khi đã được cập nhật vào hệ thống. Blockchain không ký bút toán cho một giao dịch độc lập mà giao dịch sau xác nhận cho giao dịch trước. Do đó tính phân quyền của blockchain là rất cao.
Thứ ba là tính lập trình. Một số blockchain tiêu biểu như blockchain ethereum có thể lập trình để trở thành hợp đồng thông minh cho các giao dịch cụ thể mà không cần có sự tham gia của con người.
Hiện nay, công nghệ mã hóa blockchain có tính ứng dụng, giao dịch vượt xa khả năng của tiền mặt hoặc các đơn vị tiền tệ truyền thống, giúp mọi người sử dụng một phương thức giao dịch mới đáng tin cậy hơn.
Các ứng dụng sử dụng công nghệ blockchain hiện được chia làm 3 nhóm.
Nhóm thứ nhất là các loại tài sản được chuyển giao sang hình thức blockchain. Một trong những startup bắt đầu đặt cược vào ý tưởng này là Colu. Họ đã phát triển một cơ chế để "nhuộm" mọi giao dịch bitcoin rất nhỏ (mà họ gọi là "bụi bitcoin") bằng cách bổ sung dữ liệu vào chúng để chúng có thể đại diện cho các trái phiếu, cổ phiếu hoặc các loại hình kim loại quý.
Nhóm thứ 2 sử dụng blockchain dưới dạng một máy tính thực thụ. Nó có thể là bản đăng ký của bất cứ thứ gì đáng để theo dõi chặt chẽ. Công ty Everledger (Anh) sử dụng blockchain để bảo vệ các món hàng xa xỉ; một ví dụ cho thấy việc đính kèm các dữ liệu vào blockchain để mô tả các thuộc tính nhằm phân biệt các loại đá quý, cung cấp bằng chứng xác thực danh tính của chúng nếu bị đánh cắp.
Trong khi đó, Onename lại dùng để lưu trữ thông tin cá nhân như là một phương thức không cần tới mật khẩu; còn CoinSpark lại sử dụng blockchain như mà một công chứng viên. Lưu ý rằng, các loại hình ứng dụng này không giống như các giao dịch bitcoin đơn thuần, mà nó cần có sự tin tưởng nhất định. Bạn phải có đủ cơ sở để tin rằng bên trung gian sẽ lưu trữ dữ liệu (mà bạn gửi gắm) một cách chính xác.
Còn nhóm thứ ba cũng là nhóm ứng dụng blockchain tham vọng nhất: Các "hợp đồng thông minh". Theo đó, các hợp đồng có thể được "lập trình" để có thể sẵn sàng trong điều kiện nhất định.
Lighthouse, một dự án được Mike Hearn khởi xướng, hoạt động trong lĩnh vực gọi vốn ứng dụng hình thức "hợp đồng thông minh". Nếu gọi vốn đủ cho một dự án thì tất cả sẽ được thông qua, bằng không sẽ không có gì cả. Mike Hearn – chủ dự án cũng là một trong những lập trình viên hàng đầu của bitcoin cho biết, sàn gọi vốn của anh sẽ rẻ hơn các đối thủ hoạt động theo phương thức truyền thống và cũng độc lập với chính phủ, tránh sự can thiệp của nhà nước.
Minh Thư (T/h)