VnExpress thông tin, bệnh nhân nam 63 tuổi, hút thuốc lá từ khi còn trẻ, gần đây đau tức chân, cơn đau tăng dần, không thể đi lại, nguy cơ cắt cụt chi 90%.
Ngày 2/10, bác sĩ Nguyễn Anh Huy, Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, cho biết bệnh nhân nhập viện trong tình trạng các ngón chân đều đã bị tím, khả năng cắt cụt đến 90%.
Bác sĩ chỉ định thăm dò tim mạch, hô hấp, xét nghiệm máu và chụp mạch, phát hiện người bệnh bị tắc hoàn toàn phần chậu, đùi, cẳng chân.
Người đàn ông suýt phải cắt bỏ chi vì nghiện thuốc lá. Ảnh minh họa
Nguyên nhân là thiếu máu chi bán cấp tính, hậu quả của việc hút thuốc lá hàng chục năm.
Kíp quyết định mổ thông mạch kết hợp phương pháp Hybrid, giúp tìm được chỗ tắc rồi tiến hành nong động mạch, xử lý những chỗ hẹp mà dụng cụ khó tác động. Sau đó, bác sĩ đặt stent cho người bệnh và tiếp tục theo dõi tích cực.
Sau ba ngày, bệnh nhân chuyển biến tốt, có thể ngồi dậy nói chuyện, bảo toàn chi.
Trước đó, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh từng thông tin về 1 trường hợp suýt phải cắt bỏ chân vì nghiện thuốc lá 10 năm. Bệnh nhân là anh Tiến với tần suất hút thuốc lá hơn 1 gói mỗi ngày.
Tháng 6/2022, anh thấy đầu ngón chân đen dần rồi tự lành, nên không thăm khám.
Bàn chân anh Tiến được gắn máy VAC nhằm hút dịch ứ đọng, kích thích máu nuôi vết thương mau lành trước khi bước vào cuộc phẫu thuật. Ảnh: BVCC
Các bác sĩ khoa Ngoại Tim mạch – Lồng ngực, BVĐK Tâm Anh TP.HCM phẫu thuật cho bệnh nhân. Ảnh: BVCC
Đến tháng 8/2022, ngón út và áp út chân phải chuyển đen không hết, anh mới đi khám ở một bệnh viện lớn, được chẩn đoán hội chứng viêm tắc huyết khối động mạch chi dưới (Bệnh Buerger), buộc phải tháo hai ngón chân.
Cuối tháng 11/2022, anh Tiến đến khám tại Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM, bày tỏ mong muốn giữ được chân vì anh còn trẻ và năng động.
Lúc này, bàn chân phải của anh chỉ còn 3 ngón, vết thương quanh 2 ngón đã tháo bị lở loét, có mủ, hoại tử nặng.
Sau đó, các bác sĩ quyết định thực hiện phẫu thuật nối mạch máu với mục tiêu giữ lại bàn chân cho bệnh nhân. Sau phẫu thuật, các lần tái khám siêu âm cho thấy mạch máu ghép hoạt động hiệu quả, không tắc hẹp, máu lưu thông tốt, đồng thời có tưới máu mô đầu các ngón chân. Đặc biệt, theo dõi sau mổ vết thương lành rất nhanh, bệnh nhân có thể tập vật lý trị liệu để đôi chân linh hoạt hơn sau thời gian dài ngồi xe lăn.
Nguyễn Linh (T/h)