Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Nghiên cứu mới hé lộ về xu hướng biến đổi của SARS-CoV-2: Có thể còn dễ lây nhiễm hơn?

(DS&PL) -

Hai nghiên cứu mới cho thấy những biến thể mới của SARS-CoV-2, sau biến thể Alpha và Delta, có xu hướng lây lan dễ dàng hơn trong không khí.

Hãng tin Seattle Times đã trích 2 nghiên cứu mới cho biết những biến thế trong tương lai của SARS-CoV-2 sẽ nguy hiểm hơn và dễ dàng lây lan trong không khí. Theo đó, việc biến thể SARS-CoV-2 dễ dàng lây lan trong không khí sẽ làm đảo ngược những nỗ lực phòng chống dịch bệnh trước đây của thế giới.

Đến thời điểm hiện tại, phần lớn các nhà khoa học đều đồng tình với quan điểm SARS-CoV-2 chủ yếu lây truyền qua giọt bắn. Những nghiên cứu mới hầu như không thay đổi quan điểm này. Ông Vincent Munster, chuyên gia về virus tại Viện Dị ứng và Bệnh truyền nhiễm Quốc gia, người dẫn đầu một trong những nghiên cứu mới, cho biết: "Đây không phải viễn cảnh về ngày tận thế. Nó giống như một sự thay đổi và thích ứng của virus để lây truyền nhanh hơn, điều mà tôi nghĩ tất cả chúng đã đều đã lường trước và giờ chúng ta đều thấy mọi thứ đang thành hiện thực".

Virus SARS-CoV-2 biến đổi có thể nguy hiểm hơn trong tương lai. Ảnh: Reuters

Nhóm nghiên cứu của ông Munster chỉ ra rằng giọt bắn càng nhỏ càng di chuyển được xa hơn và các biến thể như Alpha có khả năng gây ra các ca bệnh mới bằng việc lây nhiễm qua khí dung.

Trong khi đó, nghiên cứu thứ 2 cho thấy những người bị nhiễm biến thể Alpha thở ra lượng virus nhiều hơn khoảng 43 lần so với những người bị nhiễm các biến thể trước đó.

Cụ th, các nghiên cứu đã so sánh biến thể Alpha với chủng virus SARS-CoV-2 ban đầu hoặc các biến thể trước đó. Bà Linsey Marr, một chuyên gia về sự truyền nhiễm của virus trong không khí tại Virginia Tech, người không tham gia vào cả hai nghiên cứu, nhận định: "Các nghiên cứu này thực sự chỉ ra virus đang phát triển và tăng cường khả năng truyền qua không khí. Tôi sẽ không ngạc nhiên nếu khả năng lây nhiễm có thể còn cao hơn".

Tính truyền nhiễm của các biến thể có thể phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác nhau, có thể là do tải lượng virus của các biến thể cần thiết để lây nhiễm, các biến thể tái tạo nhanh hơn, nhiều loại virus biến đổi hơn được thải ra hoặc cả 3 yếu tố trên kết hợp. 

Trong đó, biến thể Alpha đã được chứng minh là có khả năng lây truyền gấp đôi so với virus gốc, còn biến thể Delta có các đột biến làm tăng khả năng lây lan. Các chuyên gia cho biết khi virus tiếp tục thay đổi, các biến thể mới xuất hiện sau này thậm chí còn dễ lây nhiễm hơn.

Tuy nhiên, các chuyên gia nhận định, các công cụ phòng dịch chúng ta đang sử dụng vẫn có hiệu quả trong việc ngăn chặn dịch bệnh. Theo kết quả nghiên cứu về những người bị nhiễm các biến thể, được công bố trên tạp chí Lâm sàng Bệnh truyền nhiễm trong tháng 9, cả khẩu trang vải và khẩu trang y tế có khả năng chặn được khoảng một nửa số giọt bắn chứa virus. 

Khẩu trang vẫn có tác dụng bảo vệ tốt trước COVID-19. Ảnh: NY Times

Dù vậy, ông Don Milton, chuyên gia tại Đại học Maryland nhận định trong không gian đông người, mọi người có thể muốn cân nhắc sử dụng loại khẩu trang có khả năng bảo vệ tốt hơn. Ông Milton giải thích: "Vì virus có thể phát triển theo hướng lây lan nhanh hơn, chúng ta cần có thêm các biện pháp tốt hơn để bảo vệ bản thân và ngăn ngừa virus. Chúng tôi khuyến nghị mọi người chuyển sang sử dụng loại khẩu trang có khả năng bảo vệ tốt hơn". 

Để so sánh khả năng lây lan trong không khí của các biến thể khác nhau, nhóm của ông đã đề nghị những tình nguyện viên có các triệu chứng nhẹ hô to các câu được chỉ định. Qua theo dõi, các nhà khoa học nhận thấy những người nhiễm biến thể Alpha có tải lượng virus trong mũi và họng nhiều hơn so với các biến thể trước đó. 

Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu chỉ theo dõi 4 bệnh nhân nhiễm biến thể Alpha và 45 người nhiễm các biến thể cũ hơn. Nhận định về việc này, Seema Lakdawala, một chuyên gia về virus hô hấp tại Đại học Pittsburgh, người không tham gia vào một trong hai nghiên cứu mới, cho rằng điều đó có thể làm chênh lệch kết quả quan sát được giữa các biến thể.

Được biết, những người mắc COVID-19 có thể truyền virus cho rất nhiều người khác, hoặc không lây lan cho ai cả. Lượng virus mà họ thải ra có thể phụ thuộc vào vị trí mà virus đang tái tạo trong đường hô hấp, bản chất của chất nhầy trong môi trường và vào những vi khuẩn khác mà virus có thể gặp phải.

Dù vậy, bà Lakdawala thừa nhận: "Chúng tôi thực sự vẫn chưa rõ nguyên nhân tại sao một số cá nhân lại là người siêu lan truyền và những người khác thì không. Có rất nhiều sự khác biệt giữa các cá thể".

Các chuyên gia nhận định 2 nghiên cứu mới đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đeo khẩu trang, đối với cả những người đã được tiêm 2 mũi vaccine ngừa COVID-19, đặc biệt là ở không gian đông người. Mặc dù những ca mắc đột phá ít có nguy cơ làm lây lan virus hơn so với những người chưa tiêm chủng. Tuy nhiên, khả năng lây nhiễm virus vẫn có thể xảy ra. 

Với việc thế giới vẫn còn nhiều người chưa được tiêm chủng, virus SARS-CoV-2 vẫn có thể biến đổi và rất khó dự đoán. Chuyên gia Munster kết luận: "Có lẽ sẽ có thêm những sức ép tiến hóa định hình xu hướng biến đổi của loại virus này".

Minh Hạnh (Theo Seattle Times)

Tin nổi bật