Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Nghị lực phi thường của chàng trai không tay, thành ông chủ cửa hàng

(DS&PL) -

Sinh ra vẫn lành lặn như bao người, nhưng rồi trong một lần bị tai nạn, anh Lê Văn Tuấn đã vĩnh viễn mất đi đôi tay.

Sinh ra vẫn lành lặn như bao người, nhưng rồi trong một lần bị tai nạn, anh Lê Văn Tuấn đã vĩnh viễn mất đi đôi tay. Từng tuyệt vọng, từng suy sụp, nhưng rồi vì gia đình, vì chính bản thân mình, anh Tuấn đã đứng dậy làm lại từ đầu và trở thành cảm hứng cho thanh niên Nghệ An.

Anh Lê Văn Tuấn, tấm gương sáng về nghị lực.

Vượt lên nỗi đau

Lê Văn Tuấn (SN 1991), trú tại xóm 3, xã Tào Sơn, huyện Anh Sơn, tỉnh Nghệ An là người con thứ 4 trong gia đình có 6 anh chị em. Năm 2012, Tuấn lên đường nhập ngũ. Rèn luyện phấn đấu tốt. Tuấn mang hàm Thượng sỹ và được giao nhiệm vụ phó trung đội trưởng. Hoàn thành nghĩa vụ quân sự, chàng trai trẻ mang hoài bão làm những công việc lớn lao. Thế nhưng, đúng vào thời điểm đẹp nhất của cuộc đời thì bất ngờ Tuấn gặp tai nạn.

Vẫn nhớ như in, Tuấn kể: “Đó là ngày 19/2/2015, giáp Tết, trời mưa phùn. Khi tôi cùng một người nữa sửa mái nhà cho người họ hàng thì bất ngờ chúng tôi bị dòng điện cao thế chạy qua mái nhà phóng trúng. Tôi bất tỉnh mấy ngày, khi mở mắt thức dậy thì đã thấy mình nằm trong bệnh viện”.

Điều đau lòng nhất là Tuấn không còn nhìn thấy đôi tay của mình đâu nữa, vì vết thương quá nặng nên các bác sĩ bắt buộc phải cắt bỏ, thậm chí cả hai chân cũng có nguy cơ không giữ được. Nỗi đau da thịt cùng với nỗi đau tinh thần đã đánh sập Tuấn, anh không ăn không uống, thậm chí còn không thiết sống, bởi anh biết tương lai phía trước của mình giờ đây chỉ là màu đen.

“Tôi nghĩ rằng từ bây giờ mình chỉ là người vô dụng, cuộc đời mình đã đi vào ngõ cụt. Lúc đó tôi đã xin gia đình cho tôi được làm thủ tục hiến tạng, nhưng gia đình tôi không đồng ý và cố gắng tìm mọi cách điều trị cho tôi”, Tuấn kể.

Trong những ngày điều trị, bố mẹ anh không rời giường bệnh một bước vì sợ con nghĩ quẩn. Thấy trên đầu bố mẹ như bạc thêm vì nhiều đêm thức trắng để chăm lo cho mình, Tuấn lại càng thêm đau đớn. Thế nhưng cũng vì vậy mà anh bình tâm trở lại, quyết định không tự giày vò bản thân nữa.

“Chỉ có cách sống. Sống thật tốt. Sống để giúp mình, gia đình và xã hội thì mới vơi đi phần nào nỗi đau của bố mẹ. Đó là động lực giúp tôi vượt qua mọi khó khăn”, Tuấn nói. Kể từ đó, như một đứa trẻ lên 3, anh bắt đầu tự lập lại từ những điều nhỏ nhất như sinh hoạt cá nhân, để bớt đi những vất vả, nhọc nhằn cho người thân. Tập dần với những thứ đơn giản nhất như đánh răng, rửa mặt rồi cầm thìa. Sau đó anh lại tập những thứ khó khăn hơn như viết chữ.

“Đối với người bình thường, đó là những việc rất nhỏ nhặt, nhưng với tôi, đó là cả một kỳ tích. Ở phần thịt của đôi bàn tay bị cắt bỏ nhiều lần rỉ máu, cũng nhiều lần tôi vứt đồ đạc vì cảm thấy bất lực với bản thân. Nhưng rồi tôi lại tự nhủ nếu không làm được những chuyện này thì làm sao có thể sống tiếp, thì lại cần mẫn tập lại từ đầu”, Tuấn nhớ lại.

Sự thay đổi thần kỳ của anh khiến các bác sĩ và chính gia đình cũng không thể ngờ đến. Chỉ trong vòng 1 tuần sau khi mất đi đôi tay thì anh có thể cầm nắm được, chỉ trong vòng 1 tháng thì anh có thể cầm thìa để tự ăn và sau đó anh đã làm được tất cả mọi việc mà người bình thường có thể làm.

Đến hôm nay, khi nghĩ lại quãng thời gian trước, anh cũng không thể tưởng tượng nổi vì sao mình đã làm được điều kỳ diệu đó nữa.

Chàng trai truyền cảm hứng cho giới trẻ

Hơn 2 tháng điều trị ở viện Bỏng quốc gia, Lê Văn Tuấn trở về với đôi tay bị cắt cụt gần đến khuỷu. Tuy nhiên, để chữa trị cho anh thì gia đình cũng đã khánh kiệt khi phải bỏ ra số tiền hơn 400 triệu đồng. Nhìn bố mẹ tiều tụy, Tuấn bắt đầu tìm một nghề để tự kiếm sống.

Dù không còn đôi tay nhưng Tuấn vẫn còn minh mẫn. Nghề cơ khí chế tạo Tuấn học trong Bình Dương trước đó vẫn thôi thúc Tuấn làm một việc gì đó để tự kiếm sống, không phải dựa dẫm vào gia đình. Phải làm lại từ đầu, dù biết khó khăn khi không còn đôi tay nhưng Tuấn vẫn kiên trì.

“Thời điểm đó trong xã chưa có cửa hàng sửa điện thoại nên tôi nghĩ mình có thể kiếm sống bằng nghề này. Tôi bắt đầu tìm đến những người bạn làm nghề sửa máy tính, điện thoại để nhìn, học. May mắn được mọi người tận tình giúp đỡ. Việc cầm kẹp, tuốc nơ vít để sửa điện thoại tôi phải mất gần 3 năm trời mới thành thạo. Tứa máu, đau nhức cả tháng trời khi tập vặn vít là chuyện thường đối với tôi”, Tuấn kể.

Khi đã có một số kiến thức, Tuấn mạnh dạn đề xuất gia đình để mở một quán sửa chữa máy tính, điện thoại. Sau 3 năm gây dựng, cửa hàng của Tuấn đã trở thành địa điểm quen thuộc của người dân ở xã Tào Sơn. Tuấn không chỉ trở thành ông chủ mà còn thành thầy, đào tạo nghề cho một số thanh niên và hỗ trợ họ làm việc ngay tại cửa hàng của mình.

Hôm gặp PV, do mới đi Hà Nội trở về nên Tuấn phải sửa cả đêm để kịp trả hàng cho khách. Cả dãy khu vực chợ xã Tào Sơn chỉ có cửa hàng của anh mở cửa. Mặc dù hai tay của Tuấn bị cắt cụt gần đến khủy nhưng thao tác tháo, lắp máy điện thoại thuần thục, chuẩn xác. Tuấn dùng hai đầu gối kẹp chặt máy điện thoại rồi dùng hai tay bị cắt cụt giữ chặt lấy cái kẹp nhỏ mở máy điện thoại nhanh thoăn thoắt. Mở máy xong, Tuấn lại chụm hai cùi tay vào cái tuốc nơ vít nhỏ rồi mở các ốc vít bé xíu trong điện thoại.

Nhớ về thời điểm đó, Tuấn vui nói: “Ai cũng ái ngại khi đưa máy đến sửa chỗ tôi. Mới làm quen nên việc làm hỏng, đền máy cho khách nhiều lắm. Thế nhưng mọi người cũng cảm thông và tin tưởng tôi. Giờ chỉ vắng nhà mấy ngày mà máy khách nhờ sửa cả núi đây này. Mấy hôm đi vắng nên điện thoại của khách đưa đến sửa vẫn chưa sửa xong. Phải cố nốt mấy đêm nữa mới kịp trả máy cho khách đúng hẹn”.

Chị Nguyễn Thị Thơm, quyền Bí thư Tỉnh đoàn Nghệ An cho biết, chàng thanh niên Lê Văn Tuấn là một trong những Đại biểu ưu tú của tỉnh Nghệ An vừa tham dự Đại hội Đại biểu toàn quốc hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam lần thứ VIII, nhiệm kỳ 2019 – 2024 được tổ chức tại Hà Nội vừa qua.

“Anh Tuấn là một trong những tấm gương vượt lên chính mình, dù bị khuyết tật nhưng vẫn không ngừng cố gắng. Khi biết được thông tin của anh Tuấn, phía Tỉnh đoàn đã vận động quyên góp ủng hộ một chiếc tủ để anh Tuấn kinh doanh. Ngoài ra, Tỉnh đoàn còn nhiều lần lấy tấm gương của anh Tuấn để làm bài học cho các đoàn viên, thanh niên tỉnh nhà cùng cố gắng”, chị Thơm nói.

Anh Ngọc

Bài đăng ấn phẩm báo giấy Đời sống & Pháp luật số 205

Tin nổi bật