Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Nghị lực của nữ sinh “hoa xương rồng” nhiều lần đoạt giải cao cuộc thi học sinh giỏi môn Lịch sử

(DS&PL) -

Mặc dù gia cảnh khó khăn nhưng được sự động viên của thầy cô, gia đình, em Lục Mùi Khe đã nỗ lực, vươn lên trong học tập và đạt nhiều thành tích đáng khen ngợi trong các

Mặc dù gia cảnh khó khăn nhưng được sự động viên của thầy cô, gia đình, em Lục Mùi Khe đã nỗ lực, vươn lên trong học tập và đạt nhiều thành tích đáng khen ngợi trong các kỳ thi học sinh giỏi.

Gia cảnh ngặt nghèo và ý định nhường cơ hội đến trường cho em trai

Trong một lần công tác tại thôn Thạch Sơn (xã Ea Mroh, huyện Cư M’gar, tỉnh Đắk Lắk), PV ĐS&PL được nghe không ít câu chuyện về tinh thần vượt khó, vươn lên trong học tập của nữ sinh người dân tộc Dao - Lục Mùi Khe (SN 2002, học sinh lớp 12A2 trường THPT Cư M’gar. Tuy nhiên, chỉ vì gánh nặng cơm áo đã khiến cho em không ít lần chùn bước, nghĩ đến việc từ bỏ ước mơ học tập của mình để nhường bước cho anh và em trai. Câu chuyện đó đã thôi thúc chúng tôi tìm gặp Khe để hiểu hơn về những gì mà em đang phải đối diện.

Tiếp chúng tôi trong một phòng trọ chật hẹp, cách trường THPT Cư M’gar khoảng hơn 100m, em Khe cho biết, em sinh ra trong một gia đình có 3 anh em. Để có tiền cho 3 con ăn học, bố mẹ Khe phải cặm cụi chăm sóc 6 sào cà phê, hết mùa cà lại đi tá đất trồng mì (sắn – PV), đậu, bắp... Thế nhưng, nguồn thu nhập ít ỏi từ việc làm nông cũng không đủ trang trải cho những sinh hoạt trong gia đình và chi phí học tập của 3 anh em Khe.

“Cứ vào đầu năm học, bố mẹ mang cà phê, bắp, đậu xanh... dành dụm được trong quá trình sản xuất đi bán để đóng học phí cho 3 anh em. Tuy nhiên, sang học kỳ 2, trong nhà không còn gì để bán nữa thì bố mẹ lại phải chạy vạy vay mượn tiền để chi phí cho việc học tập của các con. Đặc biệt, từ khi anh trai em đậu vào trường đại học Nội vụ Hà Nội thì khó khăn của gia đình lại nhân lên gấp bội lần. Nhiều lúc, trong nhà không có đủ tiền để mua gạo ăn. Trong khi đó, thời gian gần đây, bố mẹ thường xuyên đau ốm nên không đi làm thuê được nhiều”, em Khe nói trong ngậm ngùi.

Sau giờ học tại lớp, Khe đến nương, rẫy phụ giúp cha mẹ chăm sóc vườn cà phê.

Bố mẹ Khe nhiều lần đề nghị em nghỉ học, ở nhà phụ giúp việc nương rẫy, rồi tìm cho mình một tấm chồng để yên bề gia thất.

“Nghe vậy, em rất buồn và có ý định buông xuôi, nghỉ học ở nhà đi làm thuê để bớt đi gánh nặng cho bố mẹ. Đồng thời, để anh và em trai (đang học lớp 10) có điều kiện tiếp tục theo đuổi ước mơ học tập. Thế nhưng, sau đó em lại nghĩ, nếu không tiếp tục đi học thì sẽ không có tương lai, cuộc sống sau này chỉ quanh quẩn, đeo bám với vài sào rẫy và sẽ không thể thoát khỏi cái nghèo”, em Khe chia sẻ.

Hoa xương rồng trên cát

Chấp nhận “cãi” lời bố mẹ, Khe quyết định tiếp tục theo đuổi giấc mơ đến trường. Nhà xa trường nên Khe phải đạp xe đạp gần 30km từ nhà ra thị trấn để ở trọ đi học nhưng chưa một lần em than vãn hay đòi hỏi bất cứ điều gì. Để bớt đi gánh nặng cho bố mẹ, mỗi tuần Khe chỉ xin 50.000 đồng phục vụ cho việc ăn uống. Được sự hướng dẫn, dìu dắt của các thầy cô, em âm thầm ôn tập tham gia các kỳ thi Olympic truyền thống 10-3 và 30- 4 môn Lịch sử. Sau nhiều ngày miệt mài đèn sách, Khe đã mang về 2 tấm huy chương Vàng trong các kỳ thi Olympic truyền thống 10-3 và 30-4 môn Lịch sử.

Nói đến đây, Khe cho biết: “Lúc đó, em vui lắm và báo ngay cho bố mẹ biết về kết quả mình đạt được. Cũng nhờ đó, bố mẹ có thêm động lực và động viên em tiếp tục học tập”.

Không dừng lại ở kết quả đó, năm lớp 11, Khe tiếp tục đoạt huy chương Vàng trong kỳ thi Olympic truyền thống 10-3 và huy chương Bạc Olympic truyền thống 30- 4. Cũng trong năm học này, em tham dự và đạt giải 3 học sinh giỏi cấp tỉnh môn Lịch sử. Tiếp đó, năm lớp 12, Khe lại đạt giải 3 học sinh giỏi quốc gia môn Lịch sử.

Khe cho hay: “Em không nghĩ mình đạt được những kết quả cao như thế. Bởi trong quá trình ôn tập, em gặp không ít khó khăn vì lượng kiến thức Lịch sử dày đặc. Đồng thời, hoàn cảnh của gia đình khiến cho em nhiều lần nghĩ đến việc bỏ cuộc. Mỗi lần như vậy, các thầy cô, ban giám hiệu nhà trường, đặc biệt là cô giáo dạy bộ môn Lịch sử lại theo sát, phân tích cho em từ những kiến thức đơn giản nhất và động viên em xóa bỏ những ý nghĩ lệch lạc. Do đó, em rất muốn cảm ơn đến cô nhưng không biết phải diễn tả thế nào ngoài việc dặn mình phải cố gắng hơn nữa”.

Được biết, ngay từ khi còn nhỏ, Khe đã có niềm yêu thích đặc biệt với môn Lịch sử. Do đó, khi còn là học sinh lớp 3, nhiều sự kiện lịch sử đã đi vào trong trí nhớ của em. Lớn lên, mỗi lần thấy anh trai mang sách Lịch sử ra ôn thi, em thích thú và mượn để đọc cho bằng được.

“Mỗi lần đọc sách, em đều ghi lại những sự kiện lịch sử quan trọng ra giấy, rồi liên hệ với ngày sinh của người thân hoặc các sự kiện lớn để dễ dàng nắm được quá trình lịch sử của đất nước mà không phải nhớ một cách máy móc”, Khe chia sẻ.

Ngoài việc chăm chú nghe giảng trên lớp, học thuộc các kiến thức cơ bản và tự ôn luyện, Khe còn kết hợp với xem phim tài liệu trên mạng để tạo cảm giác thích thú khi học môn Lịch sử và dễ dàng nhớ các sự kiện lâu hơn. Đồng thời, Khe và các bạn có chung sở thích học môn Lịch sử dành thời gian để học nhóm, đặt ra các câu hỏi để cùng nhau trả lời và chia sẻ kinh nghiệm học tập.

Khi được hỏi về ước mơ của mình, Khe lặng đi trong giây lát rồi nói: “Em mong muốn được trở thành sinh viên của trường đại học Luật TP.Hồ Chí Minh để sau này dễ dàng kiếm được việc làm phụ giúp gia đình. Tuy nhiên, với hoàn cảnh hiện nay của gia đình, em không biết mình có đủ điều kiện để hoàn thành ước mơ hay không”.

Trao đổi với chúng tôi, cô Huỳnh Thị Ngọc Mai, giáo viên dạy bộ môn Lịch sử trường THPT Cư M’gar cho biết: “Dù hoàn cảnh gia đình khó khăn nhưng Khe có một tinh thần rất cố gắng. Những kết quả này hoàn toàn xuất phát từ sự nỗ lực của Khe. Khe là một trong những trường hợp rất hiếm trên địa bàn xã Ea Mroh có thành tích học tập cao như nói trên. Cho đến năm lớp 12, bố mẹ nói chỉ học hết lớp 12 và không đi học đại học khiến Khe không tránh khỏi tâm lý nản lòng. Vì không muốn em bỏ lỡ việc học, tôi và các thầy cô giáo nhiều lần gọi điện, gặp động viên gia đình cho cháu tiếp tục đi học. Qua trò chuyện, bố mẹ Khe muốn cho cháu đi học nhưng kinh tế gia đình quá khó khăn nên nói Khe tạm dừng việc học vài năm rồi tính tiếp. Chính vì vậy, bản thân tôi và các thầy cô giáo trong trường luôn mong có nhà hảo tâm nào đó biết đến và xin cho em một quỹ học bổng tạo động lực cho em tiếp tục thực hiện giấc mơ học tập”.

Mai Cường

Bài viết đăng trên ấn phẩm tạp chí Đời sống & Pháp luật số thứ 4 (105)

Tin nổi bật