Nghệ sĩ Công Minh con trai của ông bầu Minh Tơ, chủ đoàn cải lương tuồng cổ Minh Tơ, nổi tiếng qua nhiều vai kép độc, phản diện như Tào Tháo, Quách Hòe... Không chỉ tạo ấn tượng riêng biệt với các vai diễn, ông còn âm thầm giữ gìn và phát huy bộ môn cải lương qua nghề may phục trang sân khấu.
Chuyên vào vai phản diện, kép độc
Đến bây giờ, ấn tượng của nghệ sĩ Công Minh về sân khấu cải lương vẫn in đậm tiếng lóc cóc lẻng xẻng, tiếng trống dồn dập báo hiệu một vở diễn sắp bắt đầu. Bởi, thuở nhỏ, cứ mỗi tối, khi nghe âm thanh báo hiệu quen thuộc, ông thường trốn học về đoàn xem hát. Ban đầu, ông xem và học hỏi ở tiền bối cách ca, vũ đạo... hay đơn giản chìm đắm tiếng trống, tiếng đàn. Dần dà, ông xin đóng vai quân sĩ và theo phụ giúp cô bác làm phục trang. “Không khí tập thể của đoàn Minh Tơ rất vui. Tập tuồng đúng giờ, thậm chí mê diễn mê hát đến bỏ ăn, chỉ gặm đỡ bánh mì”, nghệ sĩ Công Minh nhớ lại.
Vốn sinh ra trong gia đình có truyền thống nghệ thuật, nghệ sĩ Công Minh được cha định hướng chuyên môn từ rất sớm. “Nếu như chị Xuân Yến nắm đoàn ở khâu tổ chức, anh Thanh Tòng lo đạo diễn, anh Thanh Tâm chuyên nhạc công, Thanh Sơn chuyên sâu vũ đạo thì tôi lại đam mê mảng phục trang. Tuy nhiên, cha tôi không chấp nhận các con chỉ biết, chỉ học mỗi chuyên môn của mình. Dù con ông bầu nhưng khi đi hát, chúng tôi phải biết cột màn, treo đạo cụ, trang trí, đánh giá họa sĩ dàn dựng ra sao, nghe đàn xem chuẩn chưa... Hát cũng phải hát được hết các vai như: Lão, hề, độc...”, nghệ sĩ Công Minh bồi hồi nhớ lại.
Ông bầu Minh Tơ hướng các con theo đa tài, đa nghề để dễ dàng thay thế nhau lúc cần thiết. “Ví dụ, anh Trường Sơn bệnh, tôi nhảy lên hát; anh Thanh Tòng ốm anh Trường Sơn thế vai; nghệ sĩ khác bỏ ngang không hát, chị Xuân Yến phải hát thay không cho suất hát gián đoạn”, nghệ sĩ Công Minh nhớ lại. Nhờ vậy, một hôm đoàn tập tuồng Mã Siêu báo phụ cừu, trong lúc họp phân vai, có một nghệ sĩ từ chối không chịu nhận vai Tào Tháo nên ông bầu Minh Tơ và NSND Thanh Tòng nói: “Thôi được rồi, anh không hát vai đó, tôi giao cho thằng chín (nghệ sĩ Công Minh – PV) hát”.
Dù đã được định hướng đa nghề từ trước nhưng lần đầu tiên được giao vai lớn, nghệ sĩ Công Minh vô cùng bỡ ngỡ. “Tôi về tập hoài, tập từng câu văn, giọng cười, cách vuốt râu, liếc mắt... nhưng không đạt. Anh Thanh Tòng mắng tôi: “Không lẽ cha mày làm thầy mày lại đi đốt sách sao”. Anh ấy chửi trong buổi - họp và bắt tôi phải tập thế này, thế kia. Về sau, anh ấy thị phạm cho từng cách diễn như vuốt râu, giọng cười, nheo mắt... Về nhà, tôi vừa soi gương vừa tập lại từng nét diễn. Tôi cố nhớ lại nét diễn của những người đi trước như chú Khánh Hồng, cha tôi...
Tôi gom góp điểm hay trong cách diễn của những tiền bối để tập và diễn vai Tào Tháo. Vai diễn thành công, tạo tiếng vang. Sau này, đoàn giao cho tôi nhiều vai hơn, đa số đều thuộc các vai phản diện. Nói chung, ai bỏ vai nào, tôi “lượm” vô hát hết. Tôi diễn thành công cũng nhờ anh Thanh Tòng khích tướng”, nghệ sĩ Công Minh kể.
Đêm đầu tiên nghệ sĩ Công Minh diễn vai Tào Tháo người đến xem đông nghẹt khiến ông choáng ngợp. Vãn tuồng, khán giả đến hỏi mẹ ông để xin gặp người đóng vai Tào Tháo, lúc này nam nghệ sĩ đang ngồi hóa trang. “Mẹ tôi chỉ nó đó, người khách tỏ vẻ ngạc nhiên và hỏi tôi bao nhiêu tuổi. Tôi nói mới 22 tuổi, người này càng bất ngờ hơn. Có thể nói, vai Tào Tháo là vai đầu tiên khiến tôi được chú ý. Sau này, tôi tạo thêm ấn tượng với các vai Quách Hòe, Trương Phi, Thái giám... Vai Quách Hòe cũng do tôi bị bắt thế vai”, ông cười sảng khoái nhớ lại kỷ niệm cũ.
Nghệ sĩ Công Minh bên phục trang vừa được làm ra. |
“Ông trùm” trang phục biểu diễn với nỗi nhớ ánh đèn sân khấu
Nếu nghề hát ngấm vào huyết quản nghệ sĩ Công Minh từ thuở nhỏ công việc may phục trang sân khấu lại góp phần đưa gia đình ông vượt qua khó khăn trong thời điểm cải lương xuống dốc. “Nhiều biến cố xảy ra, tôi chán nản và tạm rời xa sân khấu một thời gian. Lúc này, tôi có tham gia đoàn Cố Đô và chịu trách nhiệm mua vải, tư vấn trang phục cho các vai. Sau đó, chị Lệ Thủy và anh Thanh Tòng có kêu tôi lo trang phục cho vở diễn. Thời điểm đó, tôi chưa biết may nhưng các anh chị em cứ đốc thúc, đặt niềm tin nói cứ làm đi mọi người sẽ ủng hộ”, nam nghệ sĩ kể.
Được sự ủng hộ nhiệt tình của anh chị nghệ sĩ, Công Minh tổng động viên gia đình vợ, con cháu cùng lao vào cắt, may, thêu cho kịp thời gian nghệ sĩ Lệ Thủy yêu cầu. Thêu không kịp các chi tiết trang trí mũ mão, áo cho các vai chính, ông nghĩ ra cách làm hoa văn, đem đi nhuộm màu.
Nhờ đó, ông dần quen với việc may phục trang sân khấu và sống chết với nghề. Nói sống chết với nghề, bởi, có lần nhận được đặt hàng của nghệ sĩ, Công Minh đã nhịn đói 3 ngày liền, chỉ uống nước ngọt cho qua bữa để cố gắng hoàn thành toàn bộ phục trang cho một vở diễn đúng tiến độ. Sau khi xong việc, ông bị choáng và phải đi khám kiểm tra sức khỏe. Không ngờ, ông đã mắc phải căn bệnh đái tháo đường do chế độ ăn uống không đảm bảo.
Gạt qua sự mệt mỏi của bệnh tật, nghệ sĩ Công Minh vẫn miệt mài sáng tạo và cần mẫn cho ra những trang phục đẹp mắt. Hiện tại, con gái của ông cũng yêu thích công việc này và lúc nào cũng sát cánh bên cha.
Nghệ sĩ Công Minh cho biết: “Để làm trang phục cho một tuồng dã sử, tôi phải đọc kịch bản kỹ. Tôi xem từng nhân vật rồi phân trang phục theo cảnh. Đa số người may trang phục đều muốn chăm chút cho phục trang của kép chính thật đẹp, chứ không quan tâm đến các vai nhỏ, còn tôi thì khác. Ví dụ như vai Nguyễn Huệ, tôi muốn thể hiện trang phục theo thời gian: Khi còn ở Quy Nhơn, ông mặc áo vải như thế nào, khi khởi nghĩa ông mặc giáp ra sao, thậm chí khi áo giáp bị ám khói thuốc súng phải như thế nào...
Những việc này tôi đều dày công nghiên cứu cùng các đạo diễn như Phúc Điền, Lê Dũng, Cảnh Đôn... Tôi nhờ NSƯT Lê Trường Tiếu ở đài truyền hình phân tích rồi tham khảo thêm bên anh Sỹ Hoàng. Để có tư liệu, tôi vào nhà sách để tìm. Tôi nhìn ảnh từ sách rồi vẽ lại các trang phục của người xưa và làm theo. Đến bây giờ, tôi cũng không dám khẳng định bản thân đã may đúng theo văn hóa lịch sử nhưng tôi luôn cố gắng tìm tòi hết sức trong khả năng”.
Nghề “làm dâu trăm họ” cũng mang đến nhiều ưu tư cho người nghệ sĩ già đã lớn lên trong môi trường sân khấu. Ông thở dài: “Các nghệ sĩ trẻ cần đẹp chứ không cần phân theo vai. Tướng quân, quan văn, quan võ cũng mặc trang phục như nhau; lính hay quan cũng cùng một kiểu nên tôi cảm thấy không đúng. Tôi nghĩ trang phục của diễn viên phải theo cấp bậc đàng hoàng, quan mặc theo kiểu quan, vua theo vua, thường dân cho ra thường dân chứ không phải kép chánh mặc đồ đẹp còn lại sao cũng được”.
Với nghệ sĩ Công Minh, kép chánh, đào chánh hay quân sĩ không nhất định phải mặc sao cho ra vai thứ chánh mà quan trọng bộ trang phục cần toát lên tính cách của nhân vật. Thế nhưng, nghề may phục trang lại phụ thuộc nhiều vào yêu cầu của khách hàng, ông nghĩ vậy nhưng họ lại thích theo kiểu khác cũng phải chịu.
Nam nghệ sĩ chia sẻ: “Tôi nhớ sân khấu lắm, nhiều khi đến xem các đoàn hát mà tôi thấy bức xúc. Các em hát không như thời của chúng tôi. Ngày xưa, chúng tôi diễn và hát làm sao cho ra tính cách nhân vật để khán giả theo dõi, chứ không phải ra sân khấu thể hiện tôi làm kép chánh, chỉ biết chọc khán giả cười. Hồi trước, cha tôi thấy kiểu ca diễn như vậy sẽ trách mắng. Cha tôi dạy, ra sân khấu dù chỉ làm quân sĩ cũng phải nghiêm chỉnh, tì nữ phải khoan thai, nhẹ nhàng... Nếu tôi còn sức, tôi cũng muốn theo các em, giúp các em bám sân khấu”.
Trang phục của ông được nhiều nghệ sĩ nổi tiếng yêu thích Hiện nay, nghệ sĩ ở nước ngoài khi diễn cũng gọi cho nghệ sĩ Công Minh đặt may phục trang. Trong nước, phục trang của ông luôn được nhiều nghệ sĩ lựa chọn hàng đầu. Ngoài phục vụ cho nhiều nghệ sĩ cải lương Kim Ngân, Vũ Luân, Tú Sương, Trinh Trinh... phục trang của Công Minh còn được nhiều ca sĩ chọn để quay MV như Đan Trường, Cẩm Ly, Chi Pu... Mỗi bộ phục trang thường được ông thiết kế và may rất công phu. Giá cả của mỗi bộ phục trang cũng khác nhau, từ 6-7 triệu đồng trở lên. Trước đây, khi cải lương còn thịnh, các nghệ sĩ thoải mái mua, may trang phục nên công việc của gia đình nghệ sĩ Công Minh cũng ổn định. Lúc cải lương thoái trào và dịch bệnh ảnh hưởng, xưởng may của ông ngày càng vắng khách. |
Ngọc Lài
Bài đăng trên ấn phẩm Đời sống & Pháp luật số thứ 5 (126)