Ngành BHXH đã tích cực áp dụng đồng bộ nhiều giải pháp trong công tác quản lý, thực hiện thu hồi nợ có hiệu quả.
Mới đây, tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV, Trưởng ban Dân nguyện của Quốc hội Nguyễn Thanh Hải đã báo cáo về kết quả giám sát việc giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ 6; trong đó, có một số nội dung liên quan đến BHXH, BHYT.
Theo báo cáo của Ban Dân nguyện của Quốc hội, thông qua 1.408 cuộc tiếp xúc cử tri trước và sau Kỳ họp thứ 6, Ban Dân nguyện thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội tập hợp được 2.293 kiến nghị cử tri và chuyển đến cơ quan có thẩm quyền giải quyết.
Trưởng ban Dân nguyện của Quốc hội Nguyễn Thanh Hải |
Trong lĩnh vực BHXH, tính đến hết năm 2018, tổng số tiền nợ phải tính lãi chậm đóng BHXH, BHYT, BHTN vào khoảng 5.715 tỷ đồng, trong đó 2.750 tỷ đồng là số tiền nợ của doanh nghiệp đã giải thể, phá sản, mất tích, khó có khả năng thu hồi. Không chỉ năm 2018 mà nhiều năm qua, cử tri cả nước đều có phản ánh về tình trạng chậm đóng, trốn đóng, nợ đóng BHXH của doanh nghiệp; các hình thức trục lợi Quỹ BHXH của cá nhân, đơn vị ngày càng tinh vi, khó phát hiện gây thiệt hại lớn đến quyền lợi của người lao động và kiến nghị Ngành BHXH và các cấp, ngành có liên quan cần tăng cường kiểm tra, xử lý tình trạng trốn, nợ đóng BHXH.
Tiếp thu kiến nghị của cử tri, Ngành BHXH đã tích cực áp dụng đồng bộ nhiều giải pháp trong công tác quản lý, thực hiện thu hồi nợ có hiệu quả như thông báo kịp thời hàng tháng cho chủ doanh nghiệp về kết quả đóng BHXH để doanh nghiệp chủ động đóng tiền; đồng thời, thực hiện thường xuyên các cuộc kiểm tra, thanh tra chuyên ngành, liên ngành (năm 2018, tiến hành 16.093 cuộc thanh tra tại 16.387 đơn vị, phát hiện và kịp thời xử lý nhiều sai phạm).
Bộ luật Hình sự năm 2015, bổ sung quy định đối với các hành vi trục lợi, trốn đóng, nợ đọng, gian lận BHXH, BHYT. Song, sau hơn 01 năm Luật có hiệu lực, vẫn chưa khởi tố vụ án nào, nguyên nhân là do còn thiếu một số văn bản hướng dẫn về áp dụng các quy định của Bộ luật Hình sự về tội phạm liên quan đến bảo hiểm, tư cách pháp lý của cơ quan BHXH trong việc tham gia tố tụng.
Đối với các tranh chấp dân sự liên quan đến lĩnh vực BHXH, BHYT như việc khởi kiện dân sự ra tòa đối với các hành vi vi phạm pháp luật, xâm phạm quyền lợi về BHXH của người lao động còn một số vướng mắc về quy trình, thủ tục. Trong khi đó, tâm lý chung của người lao động còn e ngại trong việc tự mình hoặc ủy quyền cho tổ chức công đoàn khởi kiện ra tòa đối với chính người chủ doanh nghiệp nơi họ đang làm việc, do vậy số vụ việc khởi kiện ít, quyền lợi người lao động vẫn tiếp tục bị ảnh hưởng.
Ngoài ra, cử tri ở nhiều tỉnh, thành phố cũng đề nghị Bộ Y tế cần có chủ trương, giải pháp để bố trí, sắp xếp khám, chữa bệnh cho người có thẻ BHYT vào tất cả các ngày trong tuần tại tất cả các cơ sở y tế có khám, chữa bệnh BHYT để đảm bảo quyền lợi cho người dân, nhất là đối với học sinh, sinh viên, công chức, viên chức, công nhân và người lao động.
Thu Hà