Mặc dù vi phạm đã rõ ràng, cơ quan chức năng đã có văn bản đề nghị xử lý nhưng chính quyền cơ sở lại thiếu kiên quyết và có dấu hiệu làm ngơ cho sai phạm. Thực trạng đang xảy ra tại xã Hồng Vân (Thường Tín, Hà Nội).
Công trình của gia đình ông Chu Đức Thực vẫn chưa được phá dỡ phần vi phạm. |
Dư luận bức xúc
Từ phản ánh của dư luận về dấu hiệu coi thường pháp luật đê điều xảy ra tại xã Hồng Vân, PV tạp chí Đời sống và Pháp luật đã vào cuộc khảo sát thực tế tại một số điểm thuộc khu vực hữu đê sông Hồng thuộc địa bàn xã Hồng Vân.
Cụ thể, tại khu vực bãi sông Km90+000 Hữu Hồng, PV ghi nhận những nhà xưởng kiên cố với kết cấu bê tông, khung thép, mái tôn rộng hàng trăm mét vuông, nằm trong khu vực hành lang thoát lũ. Từ những hình ảnh rất thách thức dư luận này, PV tiếp tục đi sâu tìm hiểu và được biết, chỉ trong phạm vi ngắn của tuyến đê đã có ít nhất hai công trình mới xây dựng vi phạm pháp luật về đất đai, đê điều đang gây bức xúc dư luận và bất bình cho người dân.
Đó là công trình của bà Nguyễn Thị Thơm và công trình của ông Chu Đức Thực (cùng tại thôn Xâm Xuyên, xã Hồng Vân) với quy mô lớn, được chủ đầu tư xây dựng kết cấu bê tông, cột thép to cao kiên cố. Những công trình này nằm cách chân đê từ 40 đến 90m, ngay cạnh là bãi khai thác, tập kết cát tràn ra ngoài phạm vi được cấp phép, vi phạm hành lang thoát lũ.
Theo chi cục Đê điều và phòng chống lụt bão (sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn TP.Hà Nội), ông Chu Đức Thực và bà Nguyễn Thị Thơm đã có hành vi xây dựng công trình ở bãi sông trái với quy định tại Điều 26, luật Đê điều, đồng thời vi phạm luật Đất đai. Cơ quan này đã có văn bản đề nghị Chủ tịch UBND huyện Thường Tín xử lý đối với những hành vi trên. Tuy nhiên, theo ghi nhận ngày 28/10, các sai phạm trên vẫn đang tồn tại như không có chuyện gì xảy ra.
Cũng tại bãi sông thuộc địa bàn xã Hồng Vân đang tồn tại trạm trộn bê tông của công ty TNHH thương mại và xây dựng Trung Sơn. Người dân sinh sống ở đây cho rằng có hành vi lấn chiếm đê điều để xây dựng kho xưởng, nhà kiên cố, khu sản xuất gạch không nung trên diện tích hàng chục nghìn mét vuông đất nông nghiệp. Các xe tải trọng lớn chở bê tông tươi từ trạm trộn này chạy ầm ầm trên mặt đê, gây khiếp đảm cho người dân tham gia giao thông. Theo tìm hiểu của PV, trạm trộn bê tông trên chưa được cơ quan chức năng cấp phép nhưng không hiểu vì sao nó vẫn ngang nhiên hoạt động nhiều năm nay. Nói về những trường hợp trên, ông Mai Văn Ngần - Phó Chủ tịch UBND xã Hồng Vân- cho biết, hành vi của ông Chu Đức Thực và bà Nguyễn Thị Thơm, UBND xã đều đã lập biên bản vi phạm hành chính về hành vi lấn đất nông nghiệp không phải là đất trồng lúa tại khu vực nông thôn và yêu cầu phá dỡ phần vi phạm.
Đặc biệt UBND xã yêu cầu gia đình ông Thực phá bỏ diện tích nền đất nông nghiệp đã đổ bê tông và giải tỏa vật liệu tập kết trái phép ra khỏi vị trí vi phạm, khôi phục lại tình trạng ban đầu của đất trước khi ông Thực có hành vi vi phạm. Ngoài phần vi phạm này, ông Thực còn xây dựng nhà xưởng vượt diện tích được chi cục Đê điều và phòng chống lụt bão chấp thuận (Chi cục chấp thuận cho xây dựng 249m2 nhưng ông Thực đã xây tới 500m2 ). Về việc xử lý diện tích nhà xưởng vi phạm, ông Mai Văn Ngần cho hay: “Hôm làm việc với hạt Đê điều, đã đề nghị hướng dẫn người ta làm thủ tục xin cấp bổ sung”. Cũng theo ông Ngần: “Giờ dỡ hơn 200m2 nhà xưởng đó lớn lắm, xã không thực hiện nổi”.
Có du di cho sai phạm
Từ nội dung trả lời của vị lãnh đạo xã Hồng Vân, PV đã đặt vấn đề: Nếu ngay từ khi vừa xuất hiện sai phạm, chính quyền đã kiên quyết ngăn chặn và thực hiện phá dỡ thì sai phạm đã không thể xảy ra, công trình nhà xưởng lớn như hiện nay không thể hoàn thành được? Trả lời vấn đề này, ông Ngần thừa nhận, xã đã không xử lý triệt để ngay từ đầu, nhưng cũng chia sẻ thêm: “Ông ấy (ông Thực- PV) tuy không phải là người địa phương nhưng ở đây mấy chục năm rồi thì cũng là người địa phương nên cũng tạo điều kiện thôi. Còn các ông ở nơi khác đến thì làm gì có chuyện vượt phép mà làm được”.
Có thể thấy, trách nhiệm của lãnh đạo chính quyền xã Hồng Vân với vi phạm pháp luật về đê điều, đất đai còn rất hời hợt, dẫn đến sai phạm có được xử lý nhưng không triệt để. Đây cũng là thực trạng đã được sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn TP.Hà Nội chỉ ra tại Báo cáo số 322/BC-SNN ngày 14/8/2020: Tình trạng kết quả xử lý các vi phạm liên quan đến lĩnh vực đê điều còn hạn chế bởi các địa phương để xảy ra sai phạm mới chỉ dừng ở mức độ đôn đốc, chỉ đạo...
An Luých
Bài đăng trên ấn phẩm Đời sống & Pháp luật số thứ 3(176)