Rừng tràm Trà Sư ở đâu?
Khu du lịch rừng tràm Trà Sư là khu rừng ngập nước tiêu biểu cho vùng miền Tây sông nước, là điểm đến ưa thích của khách du lịch trong và ngoài nước khi đến với An Giang. Nằm cách thành phố Châu Đốc (An Giang) khoảng 30 km về phía tây nam và TP Long Xuyên khoảng 60 km, rừng tràm Trà Sư với diện tích 845 ha vùng lõi và 643 ha vùng đệm nằm trong hệ thống các khu rừng đặc dụng của Việt Nam.
Đến đây, điều dễ nhận thấy nhất là du khách sẽ được hòa mình vào thiên nhiên, không chỉ bị thu hút bởi không gian xanh với rừng tràm rợp bóng, mà còn được tiếp xúc gần với hàng loạt loài chim, hay động vật hoang dã quý hiếm. Đây là nơi được phát triển để trở thành khu bảo tồn của rất nhiều lớp sinh vật nhiệt đới đang sinh sống ở vùng Tây Nam Bộ.
Người địa phương sẽ dùng thuyền để đưa du khách vào sâu trong rừng tràm. Ngồi trên thuyền, bạn sẽ bắt gặp những chú chim đậu ngay thân cây, nhiều loại sen đủ sắc màu. Nếu thích, du khách thể yêu cầu người lái thuyền dừng lại để cảm nhận rõ không gian tĩnh lặng và ghi dấu những khoảnh khắc của thiên nhiên.
Rừng tràm Trà Sư là bối cảnh cho bộ phim Đất rừng Phương Nam của đạo diễn Nguyễn Quang Dũng.
Rừng tràm Trà Sư với diện tích 845 ha vùng lõi và 643 ha vùng đệm nằm trong hệ thống các khu rừng đặc dụng của Việt Nam.
Rừng tràm Trà Sư mùa nào đẹp nhất?
Rừng tràm Trà Sư đẹp nhất chính là vào mùa nước nổi. Bắt đầu từ tháng 9, nước từ thượng nguồn đổ về và thông thường đạt đỉnh vào khoảng tháng 10 hoặc tháng 11. Trong suốt thời gian này, sự trù phú của các loài thủy sản và phù sa màu mỡ được vun bồi theo con nước, lớn ròng. Mùa nước nổi về ôm lấy khu rừng khiến cho cảnh quan càng trở nên ấn tượng, không gian rừng tràm bỗng tỏa sáng, lôi cuốn du khách đến chiêm ngưỡng, khám phá..
Di chuyển
Hãy dành một ngày ở rừng tràm Trà Sư để tận hưởng hết các không gian trong rừng, ăn bữa trưa với các món đặc sản miền Tây.
Để thuận tiện di chuyển, du khách nên nghỉ đêm ở thành phố Châu Đốc, khởi hành đi rừng tràm vào buổi sáng, ở lại đến chiều. Rừng tràm Trà Sư nằm cách thành phố Châu Đốc khoảng 30 km, thời gian di chuyển 30 đến 40 phút bằng ôtô hoặc xe máy, đường đi thuận tiện.
Thời điểm tốt nhất trong ngày để khám phá rừng tràm là vào sáng sớm hoặc hoàng hôn. Khoảng 15-17h, các loại chim, cò tụ tập về rừng nhiều, tạo nên cảnh thiên nhiên đẹp.
Vé tham quan
Vé tham quan bao gồm toàn bộ khu rừng tràm và thưởng ngoạn cầu tre dài nhất Việt Nam: 100.000 đồng một người. Đây là vé bắt buộc vào rừng, miễn phí với trẻ em dưới 1m3 và người trên 70 tuổi.
Vé dịch vụ tàu (xuồng máy): 50.000 đồng một người
Vé dịch vụ xuồng chèo (3-4 người một xuồng): 50.000 đồng một người
Các tour và nhóm đối tác sẽ có mức giá ưu đãi riêng, liên hệ trước với khu du lịch.
Thời điểm tốt nhất trong ngày để khám phá rừng tràm là vào sáng sớm hoặc hoàng hôn.
Rừng tràm Trà Sư mùa nước nổi
Mùa nước nổi, rừng Trà Sư khoác lên mình chiếc áo mới tuyệt đẹp với những gam màu rực rỡ như một bức tranh đầy cảnh sắc của miền Tây sông nước. Lối vào “thiên đường xanh” Trà Sư là cây cầu kiều cực kỳ ấn tượng, được xây dựng bằng thân gỗ nguyên khối nhập khẩu từ châu Phi, với chiều dài gần 100m và có độ thông thuyền 7m. Đường dẫn lên xuống cầu là những luống hoa rực rỡ sắc màu. Đứng ở vị trí giữa cầu, du khách có thể ngắm nhìn toàn cảnh cánh rừng tràm nguyên sinh trải dài thẳng tắp.
Dọc đường đi, những bè nổi với đủ loại hoa giấy, cẩm tú mai, dừa cạn, quỳnh anh, mười giờ... phô diễn vẻ đẹp đến sững sờ, chào đón du khách bước vào “thiên đường” nước nổi. Ai cũng ngạc nhiên thích thú khi tại bến của Khu du lịch sinh thái Trà Sư có những “tòa lâu đài” tráng lệ dành cho những chú chim bồ câu xinh đẹp, thân thiện và mến khách. Ấn tượng, độc đáo nhất là chiếc cầu tre vạn lý (dài hơn 10km) xuyên thẳng vào giữa đại ngàn, giúp du khách trải nghiệm, thưởng thức trọn vẹn không khí trong lành của bảo tàng tràm rộng lớn nhất miền Tây.
Hành trình thưởng ngoạn Trà Sư bắt đầu bằng phương tiện tắc ráng. Ngao du trên mặt nước, du khách tha hồ phóng tầm mắt khám phá rừng tràm, hồ sen, tổ chim... trên cung đường mênh mang. Tiếp đó, khách sẽ cùng những thiếu nữ mặc áo bà ba, đội nón lá, quấn khăn rằn đậm nét miền Tây uyển chuyển bơi xuồng ba lá lướt trên thảm bèo xanh ngắt, dưới bầu không khí trong lành, thoáng đãng và yên tĩnh. Từ xa đã thấy hoa tràm đang nở rộ và từng đàn cò ríu rít làm tổ dưới tán cây cao vút, đan nhau như mái nhà. Với một chút sáng tạo khi “check-in”, cư dân mạng đã khiến Trà Sư trở nên sống động và hấp dẫn, khiến ai nhìn thấy cũng đều ao ước được một lần đến nơi đây.
Năm 2003, Rừng tràm Trà Sư trở thành Khu bảo tồn thiên nhiên để du khách đến tham quan, trải nghiệm và nghiên cứu khoa học. Đến Trà Sư vào mùa nước nổi, chúng ta không chỉ được chiêm ngưỡng cảnh sắc tuyệt đẹp của bức tranh thủy mặc giữa đại ngàn, mà còn đắm say với nhiều công trình kiến trúc độc đáo khác. Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Sao Mai Trương Vĩnh Thành cho biết, đơn vị đang đầu tư xây dựng vườn bách thú, phát triển văn hóa dân gian (đua heo, đua chó, tái hiện các lễ hội Khmer...), tạo ra các trải nghiệm cho du khách (câu cá, làm bánh, cưỡi trâu, tắm bùn...) cùng các dịch vụ lưu trú, ẩm thực... Tổ hợp bốn hòn đảo ngọc nhân tạo sẽ được xây dựng ở những khu rừng thưa với mục tiêu tái tạo cảnh quan. Đây là điểm nghỉ dưỡng trong rừng vô cùng đặc biệt và tương lai không xa sẽ trở thành làng du lịch xanh, sạch, đẹp…
Mùa nước nổi, rừng Trà Sư khoác lên mình chiếc áo mới tuyệt đẹp với những gam màu rực rỡ như một bức tranh đầy cảnh sắc của miền Tây sông nước.
Nếu muốn khám phá trọn vẹn vẻ đẹp của Trà Sư, du khách có thể lên đài quan sát ở độ cao khoảng 23m để có thể nhìn ngắm toàn cảnh khu rừng sinh thái. Chắc chắn, ai cũng sẽ đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác khi hòa mình vào không gian trong lành, đầy sức cuốn hút với vẻ đẹp của thiên nhiên êm ả, không gian yên tĩnh giữa trời nước hữu tình, ngắm những hàng cây ngút ngàn giữa cảnh quan thơ mộng…
Đến rừng tràm Trà Sư ăn gì?
Nhà hàng Trà Sư có hai khu vực chính phục vụ ăn uống: dọc bên ngoài cửa rừng, hai bên bến tàu và khu chòi nổi trên mặt nước phía trong rừng (liền lầu vọng cảnh). Tại các điểm ăn uống này, du khách sẽ được thưởng thức các món đặc sản miền Tây như: cá lóc nướng, lẩu cá linh điên điển (mùa nước nổi cũng là mùa cá), lẩu mắm, gỏi cổ hũ dừa, bánh xèo...