Phát biểu tại Hội nghị An ninh Quốc tế Moscow lần thứ 11 ngày 15/8, Bộ trưởng Shoigu cho biết, "Tôi muốn chỉ ra một thực tế là chúng tôi cũng có bom, đạn chùm trong biên chế. Cho đến bây giờ, vì lý do nhân đạo, chúng tôi không sử dụng chúng. Tuy nhiên, chúng tôi có thể xét lại quyết định này".
Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergey Shoigu phát biểu tại Hội nghị An ninh Quốc tế Moscow lần 11. Ảnh: RIA Novosti.
Bom chùm là loại vũ khí có tính sát thương diện rộng, giúp tấn công nhiều mục tiêu cùng lúc. Tuy vậy, đây là một loại vũ khí không ổn định và có tỉ lệ không phát nổ ngay cao. Ngòi nổ của mỗi quả bom con được kích hoạt khi nó rơi xuống đất, nhưng rất nhiều quả bom con trong đó không phát nổ và nằm im trong lòng đất.
Trước đó, vào ngày 7/7, chính quyền Tổng thống Joe Biden đã quyết định cung cấp hàng nghìn quả bom chùm cho Ukraine - một phần trong gói viện trợ quân sự mới trị giá 800 triệu USD của Mỹ cho Ukraine.
Việc này không chỉ vấp phải phản đối của Nga mà còn gây tranh cãi trong chính nội bộ nước Mỹ, cũng như các đồng minh khối Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).
Cơ chế hoạt động của bom chùm. Ảnh: AFP.
Mỹ nói rằng, việc gửi bom chùm là cần thiết do Ukraine đã cạn kiệt đạn pháo thông thường. Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine Oleksii Reznikov nhận định đạn chùm mà Mỹ viện trợ có thể giúp đẩy nhanh quá trình giành lại khu vực Nga đang kiểm soát.
Tuy nhiên, nhiều tổ chức và quốc gia trên thế giới phản đối việc sử dụng bom chùm do tỷ lệ đạn con không phát nổ cao. Nếu vương vãi trên mặt đất, vướng vào lùm cây cỏ, chúng có thể tồn tại nhiều năm và phát nổ khi dân thường vô tình chạm phải sau khi chiến sự kết thúc.
Washington Post ngày 20/7 dẫn lời quan chức giấu tên của Ukraine xác nhận quân đội nước này đã bắt đầu sử dụng đạn chùm để chống lại lực lượng Nga ở miền Nam nhằm chọc thủng hàng phòng thủ kiên cố của Nga vốn làm chậm đà phản công của Kiev. Bom chùm cũng được sử dụng để phá hủy các chiến hào của Nga.
Hồi cuối tháng 7, người phát ngôn Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ John Kirby cho biết, theo đánh giá ban đầu từ Kiev, quân đội Ukraine đang sử dụng bom chùm để chống lại các lực lượng Nga "khá hiệu quả".
Trước tuyên bố của ông Shoigu, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova nói quyết định viện trợ bom chùm là "hành động tuyệt vọng và thể hiện sự yếu đuối của Mỹ".
Tại hội nghị trên, Bộ trưởng Shoigu cũng cho biết bất chấp viện trợ của phương Tây, nguồn lực quân sự của Ukraine gần như cạn kiệt. Ông cũng cho rằng Mỹ đang làm cạn kiệt kho vũ khí của các đối tác toàn cầu với danh nghĩa viện trợ cho Ukraine.
"Dưới danh nghĩa hỗ trợ Ukraine, Mỹ đang quét sạch kho quân sự của các đối tác ở những khu vực khác nhau trên thế giới, hứa hẹn đổi lại bằng trang thiết bị hiện đại của phương Tây", ông Shoigu nói.
Như Quỳnh (T/h)