Đài RT đưa tin ngày 11/9, Bộ trưởng Năng lượng Nga Nikolay Shulginov xác nhận, Moscow sẽ không bán dầu và khí đốt tự nhiên thấp hơn giá thị trường cho bất kỳ quốc gia nào. Ông Shulginov đồng thời lên án ý tưởng áp giá trần dầu Nga của EU.
Nga không chấp nhận bán lỗ năng lượng. Ảnh minh hoạ
"Chúng tôi chắc chắn sẽ không bán thấp hơn giá thị trường. Điều đó là không thể. Việc áp giá trần dầu Nga được xem là một thỏa thuận làm giảm cạnh tranh, gây bất lợi cho Moscow. Chúng tôi chắc chắn không để điều đó xảy ra với nước Nga", ông Shulginov phát biểu trên đài truyền hình Rossiya-1.
"Sự can thiệp vào cơ chế thị trường của một ngành công nghiệp quan trọng như dầu mỏ, điều cần thiết đối với an ninh năng lượng toàn cầu sẽ chỉ dẫn đến sự mất ổn định của ngành công nghiệp dầu mỏ", ông Shulginov nói thêm.
Trước đó, ngày 9/9, Bộ trưởng Năng lượng các nước Liên minh châu Âu (EU) đã tiến hành họp tại Brussels (Bỉ) để tìm kiếm thỏa thuận về các biện pháp bảo vệ người dân trước giá năng lượng quá cao và ngăn chặn các công ty năng lượng phá sản trong bối cảnh Nga dần cắt nguồn cung khí đốt cho châu Âu.
Tại cuộc họp, các bộ trưởng đã bàn việc áp giá trần lên khí đốt nhập khẩu, giới hạn lượng khí đốt dùng trong phát điện và tạm thời ngưng hoạt động các nhà máy điện chạy bằng khí đốt. Đây là một trong những biện pháp để kiềm chế giá năng lượng quá cao ở châu Âu hiện nay. Giá khí đốt ở thị trường châu Âu hiện cao hơn cả 10 lần so với đầu năm. Tuy nhiên, đề xuất áp giá trần khí đốt của Nga đang gây chia rẽ lớn tại EU.
Đức cho rằng việc áp trần giá khí đốt Nga có thể sẽ kích hoạt sự trả đũa của Moscow dưới hình thức cắt hoàn toàn khí đốt đối với EU.
Đây là kịch bản mà Berlin lo ngại sẽ đặc biệt ảnh hưởng đến các nước Trung Âu như Cộng hòa Séc, Slovakia và Romania. Các nước này nhận khí đốt Nga qua đường ống xuyên Ukraine hoặc đường ống TurkStream.
Hungary cho rằng việc áp giá trần đối với khí đốt Nga sẽ khiến Moscow ngừng cung cấp khí đốt sang châu Âu ngay lập tức và điều này đi ngược lại với lợi ích của Hungary.
Trong khi đó, Bộ trưởng chuyển đổi năng lượng của Italy Roberto Cingolani lại ủng hộ việc áp giá trần "ở mức hợp lý" và cho tất cả nguồn cung.
Bộ trưởng Năng lượng Bỉ Tinne Van der Straeten cũng cho rằng hiện có rất ít khí đốt của Nga đến châu Âu, vì vậy giá trần khí đốt không ảnh hưởng gì đến Nga.
Các nước Baltic nằm trong số các nước ủng hộ ý tưởng này vì cho rằng điều này sẽ giảm nguồn thu của Moscow để tài trợ cho chiến dịch quân sự tại Ukraine.
Việc áp giá trần với dầu Nga không đơn giản. Nhiều nhà phân tích lo ngại rằng mục tiêu này có thể dễ dàng bị phá vỡ nếu các nước ngoài G7 - như Trung Quốc và Ấn Độ - tiếp tục mua dầu của Nga trên mức giá trần.
Mộc Miên (Theo TASS)