Nga cho biết 10 nhân viên Đại sứ quán Mỹ sẽ phải rời quốc gia này trước ngày 21/5, động thái này được cho là hành động đáp trả với Tổng thống Biden.
Nga đã đáp trả một loạt các lệnh trừng phạt mới của Mỹ bằng cách tuyên bố sẽ trục xuất 10 nhà ngoại giao Mỹ và thực hiện các động thái trả đũa khác trong cuộc đối đầu căng thẳng với Washington, vào ngày 16/4 (giờ địa phương).
Bộ Ngoại giao Nga cũng công bố danh sách 8 quan chức đương nhiệm hoặc cựu quan chức Mỹ bị cấm nhập cảnh vào nước này, bao gồm Bộ trưởng Tư pháp Mỹ Merrick Garland, Giám đốc FBI Christopher Wray, Giám đốc Tình báo Quốc gia Avril Haines và Bộ trưởng An ninh Nội địa Alejandro Mayorkas.
Ngoại trưởng Sergey Lavrov cũng cho biết Moscow sẽ tiến tới đóng cửa các tổ chức phi chính phủ của Mỹ ở Nga để chấm dứt những gì ông mô tả là "can thiệp vào chính trị của Nga".
Nhà ngoại giao hàng đầu của Nga cho biết Điện Kremlin đề nghị Đại sứ Mỹ John Sullivan noi gương người đồng cấp Nga và về nhà tham vấn. Nga cũng sẽ từ chối Đại sứ quán Mỹ khả năng thuê nhân viên từ Nga và các nước thứ ba làm nhân viên hỗ trợ, hạn chế các chuyến thăm của các nhà ngoại giao Mỹ phục vụ công tác ngắn hạn tại đại sứ quán và thắt chặt các yêu cầu đối với việc đi lại của các nhà ngoại giao Mỹ trong nước.
Những người khác bị cấm nhập cảnh vào Nga là Susan Rice, cựu đại sứ Liên Hợp Quốc và hiện là người đứng đầu Hội đồng Chính sách Nội địa; John Bolton, người từng là cố vấn an ninh quốc gia dưới thời cựu Tổng thống Donald Trump; James Woolsey, cựu giám đốc CIA; và Michael Carvajal, giám đốc Cục Liên bang các trại giam.
Ngày 15/4, chính quyền Tổng thống Mỹ Biden đã công bố các lệnh trừng phạt đối với Nga vì can thiệp vào cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2020 và dính líu đến vụ hack phần mềm SolarWind của các cơ quan liên bang, đây đều là các hoạt động mà Moscow đã phủ nhận. Mỹ đã ra lệnh trục xuất 10 nhà ngoại giao Nga, nhắm vào hàng chục công ty và người dân, đồng thời áp đặt các biện pháp hạn chế mới đối với khả năng vay tiền của Nga.
Trong khi Mỹ nắm trong tay sức mạnh để làm tê liệt nền kinh tế Nga, thì Moscow lại thiếu các đòn bẩy để đáp trả bằng hiện vật, mặc dù điều đó có thể gây tổn hại đến lợi ích của Mỹ trên toàn cầu theo những cách khác.
Ngoại trưởng Lavrov gọi động thái của Washington là “hoàn toàn không thân thiện và vô cớ”, ông nói rằng mặc dù Nga có thể thực hiện “các biện pháp đau đớn” chống lại lợi ích kinh doanh của Mỹ ở Nga nhưng nước này sẽ không ngay lập tức làm điều đó và “để dành chúng để sử dụng trong tương lai”.
Ông cảnh báo rằng nếu Washington gia tăng áp lực hơn nữa, Nga có thể yêu cầu Mỹ giảm số lượng nhân viên đại sứ quán và lãnh sự từ khoảng 450 xuống còn 300. Ông cho biết cả hai nước đều có khoảng 450 nhà ngoại giao, nhưng trong đó có khoảng 150 người Nga tại Liên Hợp Quốc ở New York mà ông cho rằng không nên đưa vào.
Bích Thảo