Chi phí giá điện thấp và đầu tư hàng chục triệu USD vào máy đào tiền ảo, Nga cố gắng ghi tên mình vào danh sách các quốc gia hàng đầu về tiền ảo trên thế giới.
Mới đây CNN Money đã có chuyến thăm tới một trong những nhà máy khai thác tiền ảo lớn tại Nga. Nhà máy này được xây dựng trên nền của một nhà máy ô tô cũ có mặt bằng rộng 9.000 mét vuông, bên trong nhà máy này là những kệ lớn chứa các bộ xử lý máy tính và các quạt tản nhiệt có công suất khổng lồ.
Nhà máy khai thác tiền ảo này được quản lý bởi Dmitry Marinichev, một giám sát viên của Tổng thống Putin về Internet. Năm 2014, ông được bổ nhiệm với vai trò tạo ra một cơ chế liên lạc giữa các công ty Internet và chính phủ.
Một trong những hệ thống khai thác tiền ảo của Nga |
Đồng tiền ảo mạnh nhất trên thị trường lúc này là Bitcoin. Bitcoin được khai thác bằng cách cho các máy tính thực hiện các thuật toán. Sau đó Bitcoin được chia sẻ và lưu trữ thông tin giao dịch qua mạng lưới blockchain. Như vậy đồng tiền này có thể hoạt động mà không cần ngân hàng trung ương hay cơ quan quản lý cụ thể nào.
Các cơ sở khai thác tiền ảo hiện nay thường mua các linh kiện của các nhà sản xuất lớn và lắp thành máy tính “đào tiền” của mình. Nhưng cách của cơ sở này còn chuyên nghiệp hơn. Họ tự chế tạo bo mạch bằng công nghệ in 3D. Các máy đào do họ chế tạo vừa để đáp ứng nhu cầu khai thác, vừa để bán cho các cơ sở khác.
Nga vẫn đi sau về tiền ảo mặc dù có sự đầu tư mạnh từ cả những cá nhân và tổ chức nhưng Nga lúc này vẫn đi sau khá nhiều nước về phát triển tiền ảo. Không giống như tại Mỹ hoặc các nước châu Âu, thanh toán hoặc đổi từ tiền ảo sang tiền mặt chính thức ở Nga vẫn chưa được coi là hành động hợp pháp.
Tổng thống Nga Putin đã có cuộc gặp với nhà phát minh cha đẻ của đồng Ethereum, một loại tiền ảo đang xếp thứ 2 ngay sau Bitcoin.
Một số quy định về tiền ảo cũng đã bắt đầu được xây dựng nhưng lúc này đang bị trì hoãn công bố do những thay đổi trên thế giới ví dụ Trung Quốc cấm hoạt động ICO. Nhưng nhiều chuyên gia tại Nga cũng ý thức được quốc gia này ngoài có tài nguyên thiên nhiên, các chuyên gia máy tính của họ cũng là một nguồn tài nguyên và cần tận dụng.
Nhiều chuyên gia Nga lúc này nhận định, số máy tính và điểm trung chuyển của nước này chỉ chiếm 3% trong mạng lưới Bitcoin. Nhưng nước này lại có hàng loạt các điều kiện khác để “đào” Bitcoin.
Kiều Trang (T/h)