Ba Lan và Bulgaria sẽ là những quốc gia đầu tiên bị nhà cung cấp khí đốt chính của châu Âu cắt nguồn cung khí đốt kể từ khi Moscow bắt đầu chiến dịch quân sự ở Ukraine ngày 24/2. Động thái cắt nguồn cung cấp cũng nhằm đáp trả các lệnh trừng phạt do Warsaw áp đặt đối với các cá nhân và các công ty Nga.
Tấm biển "Warsaw", được đặt ở trạm phân phối khí Gaz-System ở Gustorzyn, miền Trung Ba Lan. Ảnh: Reuters
Tổng thống Nga Vladimir Putin đã yêu cầu các quốc gia "không thân thiện" mở tài khoản tại ngân hàng Gazprombank và việc thanh toán cho các khoản nhập khẩu khí đốt của Nga bằng đồng euro hoặc USD sẽ được chuyển đổi thành đồng rúp.
Tuần trước, Ủy ban châu Âu cho biết các công ty EU có thể làm việc theo yêu cầu của Nga để nhận thanh toán khí đốt bằng đồng rúp mà không vi phạm các lệnh trừng phạt nếu họ thanh toán bằng euro hoặc đô la sau đó được chuyển đổi sang tiền tệ của Nga.
Nag yêu cầu các nước "không thân thiện" trả tiền khí đốt bằng đồng rúp. Ảnh: Reuters
Công ty khí đốt của Ba Lan PGNiG (PGN.WA), có hợp đồng khí đốt với Nga sẽ hết hạn vào cuối năm nay. Công ty cho biết sẽ không tuân thủ kế hoạch thanh toán mới và sẽ không gia hạn hợp đồng.
Hợp đồng cung cấp khí đốt của Ba Lan với Gazprom là 10,2 tỷ mét khối mỗi năm - chiếm khoảng 50% lượng tiêu thụ quốc gia.
Bộ khí hậu Ba Lan cho biết, nguồn cung năng lượng của nước này vẫn được đảm bảo, lượng khí đốt đến tay người tiêu dùng sẽ không bị cắt giảm.
Trước đó, hôm 26/4, Ba Lan đã công bố danh sách 50 công ty và nhà tài phiệt Nga, bao gồm cả Gazprom, sẽ bị trừng phạt theo luật được thông qua hồi đầu tháng 4, cho phép phong tỏa tài sản của họ. Luật này tách biệt với các lệnh cấm do các nước EU cùng áp đặt.
Bộ năng lượng Bulgaria cũng cho biết, tập đoàn năng lượng Gazprom của Nga sẽ ngừng cung cấp khí đốt cho nước này từ ngày 27/4. Mỗi năm, lượng khí đốt Bulgaria nhập từ Nga lên đến hơn 90%, phần còn lại nhập từ Azerbaijan. Bulgaria cho biết nước này đã thực hiện việc tìm nguồn cung cấp khí đốt thay thế và hiện tại không yêu cầu hạn chế tiêu thụ khí đốt.
Tom Marzec-Manser, trưởng bộ phận phân tích khí đốt của công ty chuyên cung cấp dữ liệu tình báo ICIS, cho biết: "Đây là một phát súng cảnh báo địa chấn của Nga".
Hoài Dương (Theo Reuters)