Theo thông tin mới nhất từ hãng tin Reuters, Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm 5/10 cho biết học thuyết hạt nhân của Nga - trong đó đặt ra các điều kiện nhấn nút hạt nhân - không cần cập nhật. Tuy nhiên, ông vẫn chưa sẵn sàng để nói liệu Nga có cần nối lại các vụ thử hạt nhân hay không.
Nga cân nhắc rút khỏi hiệp ước cấm thử hạt nhân. Ảnh: Getty Images
Người đứng đầu Điện Kremlin cho rằng, Nga có thể xem xét việc rút khỏi Hiệp ước Cấm thử hạt nhân Toàn diện (CTBT) vì Mỹ đã ký nhưng chưa phê chuẩn. Chỉ vài giờ sau bình luận của ông Putin, Chủ tịch Duma Quốc gia Liên bang Nga Vyacheslav Volodin cho biết cơ quan này sẽ nhanh chóng xem xét vấn đề liệu có cần thiết hủy phê chuẩn hiệp ước nói trên hay không.
"Tại cuộc họp tiếp theo của Hội đồng Duma Quốc gia, chúng tôi chắc chắn sẽ thảo luận về vấn đề hủy bỏ phê chuẩn Hiệp ước cấm thử hạt nhân toàn diện", Ông Volodin nói.
Kể từ năm 1945, ít nhất 8 quốc gia đã tiến hành khoảng 2.000 vụ thử hạt nhân, trong đó hơn 1.000 vụ do Mỹ thực hiện, lần gần nhất vào năm 1992. Hậu quả liên quan môi trường và sức khỏe con người từ hoạt động thử hạt nhân đã thúc đẩy các nước lệnh đàm phán về lệnh cấm gần như toàn cầu.
Liên Hợp Quốc tháng 9/1996 thông qua CTBT và hiệp ước đã được 187 quốc gia ký tham gia. CTBT cấm các vụ thử nổ hạt nhân với mục đích dân sự và quân sự, áp dụng với mọi môi trường.
Tuy nhiên, hiệp ước chưa có hiệu lực, do 8 quốc gia sở hữu công nghệ hạt nhân chưa phê chuẩn. Trong số đó Mỹ, Ai Cập, Israel, Iran và Trung Quốc đều đã ký nhưng chưa phê chuẩn CTBT, trong khi Triều Tiên, Ấn Độ và Pakistan không tham gia.
Sau khi CTBT được đưa ra, thế giới đã ghi nhận 10 vụ thử hạt nhân, trong đó Ấn Độ và Pakistan mỗi nước thực hiện hai lần, Triều Tiên thực hiện 6 lần.
Phương Uyên (T/h)