Ngày 1/2, Đại sứ Nga tại Liên Hợp Quốc Vassily Nebenzia cho biết, Moscow sẽ coi bất kỳ lực lượng quân sự nước ngoài nào triển khai ở Ukraine mà không có sự chấp thuận của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc là "mục tiêu hợp pháp".
"Các binh lính của lực lượng gìn giữ hòa bình sẽ không thể hoạt động nếu không được phép từ Hội đồng Bảo an. Nếu không, bất kỳ lực lượng quân sự nước ngoài nào được cử vào khu vực chiến sự sẽ đều bị coi là những binh sĩ bình thường theo luật pháp quốc tế và là mục tiêu quân sự hợp pháp đối với lực lượng vũ trang của chúng tôi", ông Nebenzia nhấn mạnh trong cuộc phỏng vấn với RIA Novosti.
Với tư cách là thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an, Nga có quyền phủ quyết bất kỳ nghị quyết nào liên quan đến việc triển khai quân đội nước ngoài tại Ukraine.
Đại sứ Nga tại Liên Hợp Quốc Vassily Nebenzia. Ảnh: Reuters
Hồi tháng 1, tờ Daily Telegraph đưa tin rằng Thủ tướng Anh Keir Starmer và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã thảo luận về khả năng triển khai lực lượng gìn giữ hòa bình tại Ukraine, nhưng kế hoạch này chỉ có thể thực hiện sau khi đạt được lệnh ngừng bắn.
Thủ tướng Đức Olaf Scholz khẳng định rằng việc thảo luận về khả năng điều động binh sĩ Đức đến Ukraine vào thời điểm này là "quá sớm và không phù hợp".
Các báo cáo trước đó cũng cho thấy việc triển khai lực lượng gìn giữ hòa bình châu Âu là một trong những điểm chính trong kế hoạch giải quyết xung đột Ukraine của Tổng thống Mỹ Donald Trump. Kế hoạch này cũng bao gồm việc đình chỉ tham vọng gia nhập Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) của Ukraine và đóng băng cuộc xung đột theo ranh giới hiện tại.
Theo Bộ trưởng Ngoại giao Nga Sergey Lavrov, Moscow "tất nhiên là không hài lòng" với các đề xuất hoãn tư cách thành viên NATO của Kiev cũng như triển khai lực lượng gìn giữ hòa bình phương Tây đến Ukraine.
Binh sĩ Ukraine. Ảnh minh họa
Trong khi đó, cùng ngày 10/2, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov - quan chức phụ trách quan hệ với Mỹ và kiểm soát vũ khí - tuyên bố mọi điều kiện của Tổng thống Vladimir Putin về chấm dứt xung đột ở Ukraine phải được đáp ứng trước khi có thể đạt được bất kỳ thỏa thuận nào.
Ông Ryabkov nhấn mạnh Mỹ và phương Tây càng sớm hiểu rằng tất cả các điều kiện của ông Putin cần được đáp ứng thì càng sớm đạt được thỏa thuận ở Ukraine.
Tháng 6 năm ngoái, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã đưa ra các điều kiện để chấm dứt ngay lập tức cuộc chiến: Ukraine phải từ bỏ tham vọng gia nhập Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) và rút quân khỏi toàn bộ 4 vùng lãnh thổ của Ukraine mà Nga tuyên bố chủ quyền và đang kiểm soát phần lớn.