Theo một nghiên cứu mới nhất của NASA, bầu khí quyển khu rừng Amazon đã bị tàn phá nghiêm trọng trong suốt 20 năm vừa qua. Nguyên nhân chính đến từ con người.
Tại NASA, những nhà khoa học đã nghiên cứu dữ liệu về nguồn đất và vệ tinh trong vòng nhiều thập kỷ để kiểm tra độ ẩm trong không khí và độ ẩm cần thiết để duy trì hệ thống rừng nhiệt đới.
"Chúng tôi nhận thấy rằng sau 2 thập kỷ, sự khô cằn trong không khí ở Amazon đã tăng lên rất nhiều. Bên cạnh đó, sự tụt giảm của độ ẩm trong khí quyển vượt xa những dự báo về sự biến đổi khí hậu trong tự nhiên" - PL's Armineh Barkhordarian - trưởng nhóm nghiên cứu chia sẻ. Nhóm của cô đã so sánh các dữ liệu với mẫu mô hình thường được sử dụng để ước tính sự biến đổi của khí hậu qua hàng ngàn năm.
Nghiên cứu tìm thấy rằng áp suất hơi đang tăng nhanh đặc biệt vào mùa khô ở phía Nam và Đông Nam Amazon. Khí thải nhà kính là một trong những nguyên nhân dẫn đến sự khô cằn ở "lá phổi trái đất".
Cháy rừng ở Amazon. Ảnh: CNN |
Những hoạt động của con người như đốt rừng làm rẫy đã ảnh hưởng tiêu cực tới thiên nhiên. Các đám cháy thải ra không khí các chất như muội than hoặc các hạt khác. Sau đó các hạt này hấp thụ nhiệt từ mặt trời khiến khí hậu ngày một nóng hơn.
Các nhà khoa học phát hiện ra rằng ở khu vực đông nam Amazon, sự khô cằn diễn biến tệ hơn vì đây là nơi phần lớn hoạt động nông nghiệp diễn ra. Vùng tây bắc thì thường không có mùa khô, nhưng những năm trở lại đây thì hạn hán xảy ra ngày một nhiều.
Đáng báo động hơn, các vụ cháy rừng diễn ra thường xuyên hơn trong năm nay. Theo số liệu từ chính phủ Brazil, số vụ cháy rừng tăng 85% so với năm ngoái. Tháng 8 vừa qua, tổng thống Brazil đã ban hành luật cấm đốt rừng để mở rộng đất.
Các vụ cháy rừng tại "lá phổi của thế giới" diễn ra ngày một nhiều. Ảnh: CNN |
"Trái đất đang nóng dần và độ ẩm trong không khí giảm sẽ ảnh hưởng tới vòng tuần hoàn của cây. Nghiên cứu của chúng tôi chỉ ra rằng nhu cầu thì tăng nhưng nguồn cung thì giảm. Điều này sẽ khiến các cánh rừng không đủ tài nguyên để duy trì sự sống" - tiến sĩ Sassan Saatchi, đồng tác giả bản nghiên cứu chia sẻ.
Amazon là khu rừng nhiệt đới lớn nhất thế giới và bao phủ 40% Nam Mỹ. Nó hấp thụ hàng nghìn tấn C02 và giúp cải thiện tình hình biến đổi khí hậu.
Minh Hạnh (Theo CNN)