Các quan chức Mỹ tại Washington D.C đã cảnh báo Ukraine sẽ khiến các đồng minh mệt mỏi nếu họ tiếp tục từ chối đối thoại với Nga để giải quyết cuộc xung đột hiện nay.
Cụ thể, chia sẻ trên tờ Washington Post, các quan chức nói rằng lập trường của Ukraine về các cuộc đàm phán với Nga "đang trở nên mỏng manh trong khi những đồng minh của họ lo ngại những tác động mà cuộc xung đột gây ra với nền kinh tế".
Trước đó, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky từng tuyên bố Kiev sẽ chỉ ngồi vào bàn đàm phán trong trường hợp Moscow rút toàn bộ binh sĩ về nước, bao gồm cả lực lượng tại bán đảo Crimea và khu vực Donbas ở phía Đông. Tổng thống Ukraine cũng nói rõ rằng ông sẽ không đối thoại với những nhà lãnh đạo đương nhiệm của Nga.
Hồi tháng trước, ông Zelensky đã ký sắc lệnh tuyên bố Kiev sẽ chỉ đàm phán với người kế nhiệm Tổng thống Vladimir Putin.
Một binh sĩ Ukraine ở khu vực Kherson. Ảnh: EPA
Đến thời điểm hiện tại, Mỹ đã viện trợ cho Ukraine tổng cộng 18,9 tỷ USD, khẳng định họ sẽ hỗ trợ Kiev tới khi nào cuộc xung đột kết thúc. Tuy nhiên, những đồng minh khác ở Ukraine ở châu Âu, châu Phi và khu vực Mỹ La tinh đang bị lung lay khi cuộc xung đột khiến giá cả leo thang cũng như gây gián đoạn chuỗi cung ứng.
Một quan chức chia sẻ: "Tình hình Ukraine thật sự là vấn đề đối với các đồng minh của chúng tôi".
Theo đó, các quan chức Mỹ đề nghị Ukraine "bật đèn xanh" với các cuộc đối thoại. Họ cho rằng điều này không phải để thúc ép Kiev ngồi vào bàn đàm phán với Moscow ngay lập tức mà là để duy trì sự hỗ trợ của các đồng minh.
Với các quan chức Ukraine, đề nghị của Mỹ có nghĩa là họ sẽ phải từ bỏ lời hùng biện mạnh mẽ rằng họ cần có một thắng lợi quân sự trước Nga để đảm bảo an ninh dài hạn. Sự tàn khốc của cuộc xung đột cũng khiến nhiều người Ukraine không mong muốn một cuộc đàm phán hòa bình. Đặc biệt, khi Ukraine đạt được một loạt bước tiến mới trong các cuộc phản công tại khu vực Đông Bắc Kharkiv và phía Nam Kherson, người Ukraine càng phấn chấn hơn và ít có khả năng sẽ ngồi vào bàn đàm phán ngay lúc này.
Bất chấp những tuyên bố mạnh mẽ về cuộc xung đột, việc mất đi sự ủng hộ của đồng minh có thể sẽ gây hậu quả lớn với Ukraine. Nhà ngoại giao kỳ cựu Alexander Vershbow nhận xét: "Nếu có điều kiện thuận lợi cho các cuộc đàm phán, tôi không nghĩ rằng Mỹ sẽ ngồi yên và không làm gì".
Trong khi đó, theo các quan chức Nga, Kiev đang chuẩn bị cho cuộc tấn công thứ 2 vào khu vực Kherson. Việc giành lại Kherson có giá trị biểu tượng và hậu cần với Ukraine. Ngoài ra, Kherson cũng là cầu nối giữa Nga và bán đảo Crimea. Trong một tuyên bố trên Telegram, chính quyền Kherson thân Nga cho biết thành phố đã rơi vào cảnh mất điện, nước sau một cuộc tấn công làm hỏng 3 đường dây điện ở thành phố.
Ngày 4/11, Tổng thống Zelensky cũng đã nhắc lại lập trường của mình, ông chỉ trích việc Nga tiếp tục đưa quân tới Ukraine chiến đấu là một sự "ngoan cố", cho thấy việc Kiev sẵn sàng đàm phán với Moscow là "sai sự thật". Ông nói: "Khi ai đó nghĩ đến việc đàm phán, ông ấy vẫn gửi thêm hàng chục hoặc hàng trăm nghìn người tham chiến".
Mỹ cho biết hiện tại họ vẫn đồng tình với quan điểm của Ukraine. Một quan chức Mỹ chia sẻ: "Điện Kremlin tiếp tục làm leo thang căng thẳng trong cuộc xung đột. Điện Kremlin đã thể hiện sự không sẵn sàng tham gia vào tiến trình đàm phán một cách nghiêm túc kể từ trước khi họ tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine".
Minh Hạnh (Theo Guardian)