Gói viện trợ trị giá 11,7 tỷ USD được thông qua ngày 26/9, bao gồm 4,5 tỷ USD cho việc nâng cao khả năng phòng vệ và trang bị các thiết bị quân sự cho Ukraine; 2,7 tỷ USD cho các hoạt động tình báo và hỗ trợ quốc phòng; cuối cùng là khoản ngân sách 4,5 tỷ USD để Kiev trả lương cho viên chức và hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng từ cuộc xung đột Nga - Ukraine.
Binh sĩ Ukraine bốc dỡ lô tên lửa Javelin do Mỹ viện trợ. Ảnh: CNN
Ngoài khoản viện trợ trong dự luật trên, Mỹ cũng công bố khoản viện trợ trị giá gần 460 triệu USD nhằm hỗ trợ cảnh sát quốc gia và lực lượng biên phòng Ukraine.
"Thiết bị bảo hộ, vật tư y tế và xe bọc thép mà chúng tôi cung cấp đã giúp giảm đáng kể thương vong cho dân thường Ukraine và những người bảo vệ họ", Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken nói. "Mỹ luôn sát cánh cùng nhân dân Ukraine và cam kết ủng hộ một đất nước Ukraine dân chủ, độc lập, có chủ quyền".
Trước đó, ngày 25/9, Tổng thống Ukraine cho biết "Mỹ cung cấp cho chúng tôi 1,5 tỷ USD mỗi tháng hỗ trợ ngân sách của chúng tôi để chiến đấu" chống lại Nga".
Ông Zelensky cho rằng việc trang bị vũ khí và những trợ giúp khác về quân sự cho Ukraine là "đôi bên cùng có lợi" đối với Mỹ. Ông cam kết rằng khi xung đột chấm dứt, người dân Ukraine sẽ trở về quê hương và bắt đầu đóng thuế, giảm bớt gánh nặng cho những người đóng thuế Mỹ.
Hiện Mỹ là quốc gia hỗ trợ quân sự nhiều nhất cho Ukraine với nhiều khí tài hạng nặng hiện đại, trong đó có hệ thống pháo phản lực HIMARS, lựu pháo M777 và máy bay không người lái chiến đấu. Washington đã cam kết cung cấp khoảng 15 tỷ USD viện trợ quân sự cho Kiev.
Hồi đầu tháng 9, Nhà Trắng đề nghị quốc hội phân bổ thêm 11,7 tỷ USD để hỗ trợ quân sự cho Ukraine vào đầu năm 2023.
Mộc Miên (Theo Reuters)