Giám đốc Hội đồng Kinh tế quốc gia Mỹ Larry Kudlow hôm 3/4 cho biết Washington đã làm việc với các ngân hàng và Quỹ tiền tệ Quốc tế về kế hoạch tái thiết để khôi phục nền kinh tế Venezuela.
Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro trong một cuộc tuần hành với người ủng hộ ở Caracas. Ảnh: REUTERS |
"Đó sẽ là kế hoạch giải cứu, tái cấu trúc, chuyển tiền mặt vào Venezuela. Mốc thời gian là khi đất nước thoát khỏi Tổng thống Nicolas Maduro. Tôi không biết khi nào điều đó xảy ra", ông Kudlow nói.
Một khi ông Maduro từ chức, hỗ trợ kinh tế sẽ được tiến hành ngay lập tức, bắt đầu bằng việc chuyển đôla Mỹ vào các ngành kinh tế chủ chốt qua "ngân hàng, iPhone, ứng dụng điện thoại", ông Kudlow cho biết.
"Tiền mặt sẽ không phải bolivar (tiền nội tệ của Venezuela), mà là đồng USD. Ít nhất trong giai đoạn đầu sẽ không có nhu cầu sử dụng đồng bolivar".
Ngoài ra, 14 thượng nghị sĩ Mỹ cùng ngày đưa ra dự luật mà họ cho là sẽ hỗ trợ khôi phục nền dân chủ và giải quyết cuộc khủng hoảng nhân đạo tại Venezuela. Mỹ có thể cung cấp 400 triệu USD tiền hỗ trợ nhân đạo mới cho người dân Venezuela.
Dự luật mới sẽ chính thức công nhận và hỗ trợ nỗ lực của Thủ lĩnh đối lập Juan Guaido khôi phục nền dân chủ ở Venezuela.
Quỹ Tiền tệ Quốc tế và các cơ quan của Mỹ gồm Kho bạc, Hội đồng An ninh Quốc gia, Hội đồng Kinh tế Quốc gia đều đang làm việc theo kế hoạch, ông Kudlow nói thêm rằng Nhà Trắng sẽ nhanh chóng chuyển tiền nếu có sự thay đổi lãnh đạo.
Hiện chưa có thông tin về phản ứng của chính quyền Tổng thống Maduro đối với phát biểu của cố vấn Kudlow và dự luật mới của nhóm thượng nghị sĩ Mỹ.
Thủ lĩnh đối lập Juan Guaido. Ảnh: Getty |
Venezuela là quốc gia giàu dầu mỏ nhưng đang bị khủng hoảng vì siêu lạm phát, đói kém và mất điện khiến cuộc sống hàng ngày của người dân trở nên khốn khổ cho dù ở các thị trấn nông thôn hay các thành phố lớn.
Khủng hoảng Venezuela trở nên nghiêm trọng hơn sau khi ông Guaido xưng là "tổng thống lâm thời", liên tục kêu gọi biểu tình và gây sức ép để Maduro phải từ chức. Ông Guaido được Mỹ và hơn 50 quốc gia công nhận là lãnh đạo hợp pháp.
Trong khi đó, Hội đồng Hiến pháp Venezuela tối 2/4 bỏ phiếu tước quyền miễn trừ dành cho ông Guaido với tư cách là thành viên của quốc hội do phe đối lập kiểm soát. “Đây là công lý”, các thành viên Hội đồng Hiến pháp khẳng định. Động thái này có thể dẫn tới nguy cơ ông Guaido bị bắt.
Đáp lại, ông Guaido gọi động thái mới nhắm vào ông là nỗ lực “hèn nhát” chống lại làn sóng phản đối chính quyền Tổng thống Maduro bất lực trong việc cung cấp nước, điện và tạo công ăn việc làm cho người dân Venezuela, theo tờ The Guardian
Mộc Miên (T/h)