"Chúng tôi không thể chấp nhận bất kỳ thỏa thuận nào nếu không có sự tham gia của chúng tôi với tư cách là một quốc gia độc lập. Tôi nói rõ điều này với các đối tác của chúng tôi. Bất kỳ cuộc đàm phán song phương nào liên quan đến Ukraine mà không có chúng tôi sẽ không được chấp nhận”, European Pravda trích dẫn lời của ông Zelensky trong chuyến thăm Nhà máy điện hạt nhân Khmelnytskyi vào ngày 13/2, được phát sóng trên kênh truyền hình We Are Ukraine.
Tuyên bố được đưa ra sau khi có những nghi ngại cho rằng Ukraine có thể bị gạt ra ngoài các cuộc đàm phán hòa bình, sau cuộc điện đàm giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và người đồng cấp Nga Vladimir Putin.
Các nước châu Âu đồng thời tỏ ra lo ngại với những phát ngôn về quan điểm của chính quyền Tổng thống Trump với cuộc xung đột Nga - Ukraine. Ngày 12/2, ông Trump và Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Pete Hegseth đều cho rằng việc Ukraine gia nhập NATO và khôi phục toàn bộ lãnh thổ là "không thực tế".
Tuy nhiên, phát biểu với phóng viên tại Nhà Trắng hôm 13/2, ông Trump khẳng định Ukraine chắc chắn sẽ là một bên tham gia đàm phán hòa bình.
Tổng thống Nga Vladimir Putin (trái), Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky (giữa) và Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh: Reuters
Tổng thống Trump tuyên bố rằng một cuộc họp có sự tham gia của đại diện từ Ukraine và Nga sẽ diễn ra trong Hội nghị An ninh Munich.
"Họ sẽ có một cuộc họp ở Munich vào ngày mai (14/2, giờ địa phương). Nga sẽ có mặt ở đó cùng với người dân của chúng tôi. Nhân tiện, Ukraine cũng được mời. Tôi không chắc chắn chắc chắn chính xác đại diện nào từ Mỹ, Nga, Ukraine sẽ đến đó”, ông Trump nói.
Ông Trump cũng mô tả cuộc điện đàm riêng rẽ trước đó của ông với Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky là "rất tích cực".
Tuy nhiên, một quan chức Ukraine lên tiếng phủ nhận Ukraine sẽ tham gia cuộc họp chung giữa đại diện Mỹ và Nga tại Munich.
Cụ thể, ông Dmytro Lytvyn, cố vấn của Tổng thống Volodymyr Zelensky, cho hay: "Hiện tại, chúng tôi không có kế hoạch đàm phán nào với người Nga ở Munich".
"Quan điểm của Ukraine vẫn không thay đổi. Ukraine trước tiên phải nói chuyện với Mỹ. Châu Âu phải là một phần của bất kỳ cuộc đối thoại nghiêm túc nào vì một nền hòa bình thực sự và lâu dài. Chỉ có một lập trường thống nhất, phối hợp mới nên được đưa ra bàn đàm phán với Nga”, vị quan chức nhấn mạnh.
Trong khi đó, cùng quan điểm với Mỹ, Điện Kremlin khẳng định Ukraine sẽ là một bên đàm phán chấm dứt xung đột.
"Tất nhiên, bằng cách này hay cách khác, Ukraine sẽ tham gia vào các cuộc đàm phán. Tất nhiên, sẽ có một lộ trình song phương Nga - Mỹ trong cuộc đối thoại này và một lộ trình tất nhiên sẽ liên quan đến sự tham gia của Ukraine", người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov nhấn mạnh.
Nga nhiều lần tuyên bố sẵn sàng đàm phán với Ukraine nhằm chấm dứt xung đột. Tuy nhiên, Moscow đặt ra câu hỏi về tính pháp lý của Tổng thống Zelensky khi nhiệm kỳ của ông thực tế đã chấm dứt từ tháng 5/2024. Moscow coi quốc hội Ukraine là cơ quan hợp pháp để công nhận bất cứ thỏa thuận hòa bình nào giữa 2 nước.