Mỹ đã ký hợp đồng hơn 1 tỷ USD để phát triển tên lửa mới, 3 tháng sau khi Washington tuyên bố sẽ rút khỏi Hiệp ước Lực lượng hạt nhân tầm trung (INF).
Mỹ đẩy mạnh phát triển kho tên lửa sau tuyên bố rút khỏi INF. Ảnh: Getty |
Từ tháng 10/2018 tới tháng 2/2019, khi chính thức bắt đầu quá trình rút khỏi hiệp ước INF, Mỹ đã nhanh chóng phát triển kho tên lửa mới, ký các thương vụ tổng trị giá 1,1 tỷ USD với các nhà thầu quốc phòng trong vòng 3 tháng, theo báo cáo công bố ngày 2/5 của tổ chức Chiến dịch quốc tế về loại bỏ vũ khí hạt nhân (ICAN) và tổ chức Hòa bình của Mỹ (PAX).
Động thái này trái ngược hoàn toàn với tuyên bố trước đó của Lầu Năm Góc hồi tháng 2/2019 rằng họ sẽ tiếp tục tôn trọng các ranh giới của hiệp ước.
Hiệp ước INF được Nga và Mỹ ký kết từ năm 1987, trong đó cấm hai nước phát triển mọi loại tên lửa hành trình phóng từ mặt đất có tầm bắn 500 - 5.500 km. Tổng thống Mỹ Donald Trump đã quyết định đình chỉ hiệp ước này vì cho rằng Nga đã vi phạm thông qua việc triển khai tên lửa 9M729 trong hệ thống Iskander. Trong khi đó, Moscow đã phủ nhận các cáo buộc trên.
“Việc rút khỏi INF đã bắn phát súng đầu tiên cho cuộc Chiến tranh Lạnh mới”, ông Beatrice Fihn người đứng đầu của ICAN nói với AFP hôm 2/5.
Những bên hưởng lợi nhiều nhất trong các hợp đồng 1,1 tỷ USD của Lầu Năm Góc là các tập đoàn vũ khí của Mỹ như Raytheon (44 hợp đồng, 537 triệu USD), Lockheed Martin (36 thỏa thuận, 268 triệu USD) và Boeing (4 hợp đồng, 245 triệu USD). Tuy nhiên, báo cáo cũng lưu ý rằng chưa rõ các hợp đồng mới chỉ dành cho sản xuất vũ khí hạt nhân hay các vũ khí khác nữa.
“Điều rõ ràng ở đây là đã có một sự nhanh chóng trong việc chế tạo thêm nhiều tên lửa mang lại lợi ích cho các công ty Mỹ và khiến thị trường tràn ngập các vũ khí bất chấp tầm bay của chúng là bao xa”, báo cáo bổ sung.
PHƯƠNG PHƯƠNG (Theo Sputnik)