Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Mỹ đối mặt với khủng hoảng thiếu sữa công thức

  • Mộc Miên
(DS&PL) -

Nguồn cung sữa công thức cho trẻ em tại Mỹ đang gặp tình cảnh khan hiếm sau khi nhà sản xuất Abbott Nutrition ra lệnh thu hồi sản phẩm.

Ngày 13/5, Ủy ban Giám sát Hạ viện Mỹ cảnh báo, các gia đình nuôi con nhỏ tại nước này đang phải đối mặt với tình trạng khan hiếm sữa bột (sữa công thức) cho trẻ em. 

Sữa bột trẻ em được bán tại một cửa hàng lớn ở Chicago (Mỹ). Ảnh: AP

Chủ tịch Ủy ban Giám sát Hạ viện Carolyn Maloney đã gửi thư đến 4 hãng sản xuất sữa bột lớn của Mỹ gồm Abbott Nutrition, Mead Johnson Nutrition, Nestle USA và Perrigo.

Các bức thư nêu rõ tình trạng khan hiếm sữa công thức đang ảnh hưởng tới sinh hoạt của trẻ sơ sinh và các gia đình trên khắp nước Mỹ, đặc biệt là những gia đình có thu nhập thấp hơn và từng đối mặt với tình trạng bất bình đẳng về sức khỏe như mất an ninh lương thực.

Ủy ban Giám sát Hạ viện Mỹ cũng cho biết sẽ mở cuộc điều tra nhằm vào các nhà sản xuất sữa bột để xem xét giá bán sữa công thức cho trẻ em cùng nhiều vấn đề khác.

Hiện tại, hàng triệu trẻ em ở Mỹ sử dụng sữa công thức như nguồn dinh dưỡng chính, đặc biệt là những trẻ không có điều kiện bú mẹ đầy đủ. Tuy nhiên, nhiều phụ huynh ở Mỹ đang phải vất vả “săn tìm” số sữa này trong tình trạng hàng trở nên khan hiếm.

Cô Maricella Marquez, một bà mẹ tại Texas, chỉ còn lon sữa bột cuối cùng trong bếp hôm 11/5 vừa rồi. Cô đành phải pha cho con gái 3 tuổi - mắc chứng rối loạn thực quản dị ứng hiếm gặp - một phần sữa nhỏ hơn chế độ ăn đặc biệt bình thường.

Cô Marquez đã gọi điện cho các nhà cung cấp sữa trên khắp Texas, hỏi họ bao giờ mới có hàng về. “Ngay bây giờ họ hoàn toàn không có hàng”, người mẹ nói với New York Times.

Người mẹ này sống ở ngoại ô San Antonio, thành phố đang có tỷ lệ thiếu sữa công thức cao nhất nước Mỹ - 56% nguồn thông thường đã hết hàng tính đến 10/5, theo công ty phần mềm bán lẻ Datasembly.

Sự gián đoạn liên tục các chuỗi cung ứng vì dịch bệnh, một số lượng sữa lớn bị thu hồi vì lý do an toàn và chính sách thương mại là ba yếu tố chính khiến nguồn hàng sữa công thức của các hiệu thuốc và siêu thị Mỹ bị rút cạn.

Cụ thể, nhu cầu sữa công thức ở Mỹ tăng vào năm 2020 khi người dân bắt đầu tích trữ vì đại dịch COVID-19, sau đó giảm khi tình trạng tích trữ không còn, khiến các nhà cung cấp cắt giảm quy mô sản xuất trong năm 2021. Hiện tại, khi nhiều em bé ra đời hơn và nhu cầu tăng trở lại, các cơ sở không thể sản xuất kịp nhu cầu đơn hàng mới.

Các hộp sữa bột trẻ em tại một hiệu thuốc ở Chicago.  Ảnh: Getty

Tình trạng khan hiếm sữa càng tăng lên sau khi nhà sản xuất Abbott Nutrition ra lệnh thu hồi sản phẩm. Vào tháng 2, công ty Abbott đã chủ động thu hồi ba sản phẩm sau khi xuất hiện báo cáo có 4 trẻ em dùng sữa của hãng này đã bị nhiễm khuẩn, trong đó có hai bé đã tử vong.

Abbott hiện là nhà cung cấp độc quyền cho hơn nửa số cơ quan triển khai chương trình WIC – chương trình hỗ trợ thực phẩm đặc biệt cho phụ nữ và trẻ em có thu nhập thấp tại Mỹ. Động thái thu hồi sữa của công ty đã đẩy các gia đình phụ thuộc vào chương trình WIC rơi vào cảnh lao đao.

“Mỗi ngày, chúng tôi đều nhận được những chia sẻ lo lắng, sợ hãi và tức giận từ những người làm cha làm mẹ. Mạng sống những đứa con của họ đang gặp nguy hiểm”, ông Brian Dittmeier làm việc tại Hiệp hội WIC Quốc gia cảnh báo.

Cuối cùng, theo Atlantic, quy định về sữa công thức của FDA (cơ quan quản lý dược phẩm và thực phẩm Mỹ) rất nghiêm ngặt, khiến cho các sản phẩm nước ngoài (ví dụ từ châu Âu) đôi khi không thể xuất sang Mỹ vì các yếu tố kĩ thuật như yêu cầu dán nhãn.

Tuy nhiên, một nghiên cứu chỉ ra rằng nhiều sữa công thức châu Âu hoàn toàn đạt tiêu chuẩn về dinh dưỡng của FDA và trong một số trường hợp còn có thể tốt hơn sữa công thức Mỹ, vì EU cấm một số loại đường như đường ngô và yêu cầu sử dụng hàm lượng lactose cao hơn.

Một số bố mẹ ở Mỹ không chú trọng đến giấy phép của FDA có thể cố gắng “lách luật” bằng cách đặt hàng sữa công thức châu Âu từ bên thứ ba. Nhưng những lô hàng sữa này đôi khi bị cơ quan hải quan Mỹ giữ lại.

Mộc Miên (T/h)

Tin nổi bật