Hội đồng Người tiêu dùng Hồng Kông (Trung Quốc) vừa kiểm tra và phát hiện 15 mẫu sữa bột công thức dành cho trẻ em đều chứa chất 3-MCPD gây ung thư.
Theo TTXV, 3-MCPD là chất độc bị cấm trong thực phẩm, đặc biệt là những loại dành cho trẻ em vì nếu tiêu thụ quá mức có thể làm suy giảm chức năng thận hoặc khả năng sinh sản của bé trai khi trưởng thành.
Loại chứa 3-MCPD ít nhất là sữa công thức đậu nành cho trẻ sơ sinh Similac Sensitive Isomil Soy của hãng Abbott (chỉ 13 microgam/kg) và mẫu chứa nhiều nhất là sữa bột Bellamy's Organic của Australia (120 microgam 3-MCPD). Hội đồng Người tiêu dùng Hồng Kông (Trung Quốc) ước tính một trẻ sơ sinh một tháng tuổi, nặng 4,3 kg ăn sáu bữa sữa mỗi ngày với nhãn hiệu sữa bột này sẽ có mức 3-MCPD vượt quá lượng khuyến nghị của Cơ quan An toàn thực phẩm châu Âu.
Đáng chú ý, có tới chín mẫu sữa được kiểm tra chứa glycidyl este gây ung thư. Hàm lượng cao nhất là sữa bột dành cho trẻ sơ sinh Smart Baby của hãng Snow Brand được sản xuất tại Australia với 29 microgam/kg và sữa công thức dành cho trẻ sơ sinh Meiji của Nhật Bản với 27 microgam/kg. Trong khi đó, theo quy định của Liên hiệp châu Âu (EU) về sữa bột, giới hạn của glycidyl este trên mỗi kg là 50 microgam. Trong các xét nghiệm khác liên quan đến kiểm tra lượng chì, chất hóa dẻo và vi sinh vật, toàn bộ các mẫu đều đạt chuẩn.
Hội đồng Người tiêu dùng Hồng Kông còn phát hiện, nhãn thành phần của nhiều loại sữa bột không chính xác, sai số cao hơn so với quy định. Cụ thể, sữa bột illuma của Wyeth dành cho trẻ sơ sinh có hàm lượng vitamin A thực tế ít hơn 21,9% so với ghi trên nhãn; hàm lượng vitamin B12 thực tế của sữa bột Meiji Infant Formula ít hơn 30% so với hàm lượng ghi trên nhãn, cả hai đều vượt quá giới hạn sai số theo quy định.
Đáng chú ý, loại sữa bột đắt nhất trong số các mẫu sữa là illuma Infant Formula Milk Powder của Wyeth có giá lên tới 539 HKD (tương đương 70 USD) cho một hộp 850 gam và sữa bột giá rẻ nhất là Meiji Infant Formula có giá 250 HKD (tương đương 32 USD) cho một hộp 800 gam đều được đánh giá 4 sao - tức là chất lượng tương đương nhau.
Năm ngoái, AFP đưa tin, Foodwatch đã phát hiện lượng nhỏ chất dầu khoáng thơm (MOAH) tồn dư trong 8 sản phẩm sữa bột công thức tại Pháp, Đức, Hà Lan. 8 loại sữa bột bị Foodwatch cảnh báo là Neolac, Hero Baby, Nutrilon (Hà Lan), Danone Gallia (Pháp), Novalac (Đức)...
Nguyên nhân khiến sữa bột công thức nhiễm dầu khoáng chưa được làm rõ bởi tất cả các đại diện hãng sữa trên đều khẳng định họ "không sử dụng các hợp chất dầu khoáng trong quá trình sản xuất sữa bột công thức". Song Foodwatch cho rằng dầu sử dụng trong sản xuất hộp kim loại đựng sữa bột cho trẻ em có thể là thủ phạm.
MOAH là một dẫn xuất hydrocarbon được sử dụng trong mực viết và chất dán dùng cho đóng gói thực phẩm, được Liên minh châu Âu (EU) đánh giá có khả năng gây ung thư.
Năm 2017, cơ quan y tế ANSES (Pháp) từng khuyến cáo các nhà sản xuất thực phẩm kiểm tra lại quy trình sản xuất nhằm giảm thiểu rủi ro thực phẩm nhiễm MOAH.
Minh Khôi (T/h)