Bộ Quốc phòng Mỹ cũng đạt thỏa thuận mua 321 máy bay F-35, nếu được Quốc hội Mỹ thông qua, trị giá của thương vụ sẽ là 34 tỷ USD, lớn nhất lịch sử Mỹ.
Tiêm kích F-35. Ảnh: Getty |
Thứ trưởng Quốc phòng Mỹ phụ trách mua sắm, công nghệ và hậu cần, Ellen Lord, ngày 10/6 cho biết, các quan chức Lầu Năm Góc và Lockheed Martin đã đạt được thỏa thuận về đợt mua đầu tiên gồm 157 máy bay F-35 với mức giá giảm 8,8% so với lô máy bay F-35 trước, theo Reuters.
Bộ Quốc phòng Mỹ cũng đạt thỏa thuận mua 321 máy bay F-35 trong vòng 2 năm tới với mức giá giảm 15%. Nếu các sự lựa chọn này được Quốc hội Mỹ thông qua, trị giá của thương vụ sẽ là 34 tỷ USD, lớn nhất lịch sử Mỹ.
Với tổng đơn đặt hàng như vậy, giá máy bay F-35 bán cho Mỹ sẽ ở khoảng 80 triệu USD/ chiếc, thấp hơn mức 96-112 triệu USD theo dự tính trước đó.
Trước đó, Chính phủ Mỹ tuần trước ra hạn chót ngày 31/7 để Thổ Nhĩ Kỳ hủy hợp đồng mua tên lửa phòng không tầm xa S-400 của Nga. Nếu Ankara không thực hiện yêu cầu, toàn bộ các phi công và kỹ thuật viên Thổ Nhĩ Kỳ đang huấn luyện với tiêm kích F-35 tại Mỹ sẽ bị trục xuất.
Giới chuyên gia nhận định, việc loại Thổ Nhĩ Kỳ khỏi chương trình F-35 sẽ gây ra rạn nứt lớn chưa từng có cho quan hệ giữa Washington và Ankara, vốn đã căng thẳng do nhiều vấn đề như chiến lược tại Syria và biện pháp trừng phạt Iran.
Trong khi đó, Bộ Quốc phòng Ấn Độ đang dự tính mua thêm 110 chiến đấu cơ cho không quân và 57 chiếc cho hải quân. F-35 được cho là loại chiến đấu cơ có đủ khả năng để Ấn Độ dè chừng hệ thống S-400 mà nước láng giềng Trung Quốc đã sở hữu.
Theo The Economic Times, Ấn Độ đang theo sát diễn biến sự bất đồng giữa Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ liên quan đến việc mua S-400. Bộ Quốc phòng Mỹ cuối tuần trước ra tối hậu thư đe dọa không giao F-35 cho Thổ Nhĩ Kỳ nếu nước này không hủy bỏ hợp đồng mua S-400 đến cuối tháng 7.
Phi công và kỹ thuật viên Thổ Nhĩ Kỳ tại căn cứ Luke đầu năm 2019. Ảnh: Hurriyet. |
Thế hệ máy bay F-35 lần đầu xuất hiện trước công chúng vào năm 2006. Một thập kỉ qua, nhà thầu quốc phòng Mỹ Lockheed Martin luôn tự hào F-35 sẽ là cỗ máy quân sự hiện đại bậc nhất thế kỉ 21, giúp Mỹ và các đồng minh thực sự "thống trị bầu trời".
Lockheed khẳng định, ngoài những tính năng tác chiến và tàng hình giống như người anh em F-22, chiếc F-35 trở nên khác biệt nhờ khả năng kết nối mạng khác cùng bộ cảm biến dung hợp và hệ thống liên lạc bảo mật tuyệt đối.
Các tính năng đó giúp F-35 vượt mặt hầu hết các loại vũ khí phòng không, bao gồm hệ thống S-400 của Nga.
Tuy nhiên, F-35 bị phàn nàn vì giá quá đắt, với tổng chi phí sản nghiên cứu, sản xuất (tính đến năm 2070) vượt quá ngưỡng 1.500 tỷ USD.
Mộc Miên (T/h)