Reuters đưa tin, khoản ngân sách 42,5 tỷ được áp dụng dựa trên Chương trình triển khai và tiếp cận công bằng về băng thông rộng - một phần của Luật đầu tư cơ sở hạ tầng trị giá 1.000 tỷ USD do Tổng thống Mỹ Joe Biden ký năm 2021.
"Đây là khoản đầu tư lớn nhất vào Internet tốc độ cao từ trước đến nay. Để nền kinh tế ngày nay phục vụ cho tất cả mọi người, truy cập Internet cũng quan trọng như điện, nước hoặc các dịch vụ cơ bản khác", ông Biden phát biểu tại Nhà Trắng hôm 26/6.
Tổng thống Mỹ Joe Biden công bố gói ngân sách 42 tỷ USD nhằm hoàn thành phổ cập Internet tốc độ cao vào năm 2023. Ảnh: Reuters
Số tiền trên sẽ được phân bổ đến 50 bang dựa trên bản đồ phạm vi phủ sóng Internet mới nhất do Ủy ban Truyền thông Liên bang Mỹ (FCC) công bố. Các gói ngân sách được phân bổ sẽ dao động từ 27 triệu USD đến hơn 3,1 tỷ USD. Mỗi tiểu bang sẽ nhận được tối thiểu 107 triệu USD.
Cụ thể, Texas và California - hai tiểu bang đông dân nhất Mỹ - đứng đầu danh sách tài trợ với số tiền lần lượt là 3,1 tỷ USD và 1,9 tỷ USD. Các bang ít dân cư hơn như Virginia, Alabama và Louisiana cũng lọt vào danh sách top 10 các bang có mức giải ngân cao do có khu vực nông thôn rộng lớn nhưng ít kết nối Internet.
ABC News dẫn thông tin từ Nhà Trắng cho biết, khoản tài trợ lớn nhất lịch sử nhằm mục đích tăng cường truy cập Internet, đặc biệt là cho 7% người dân sống ở các khu vực chưa phát triển có thể được kết nối với "Internet tốc độ cao đáng tin cậy, giá cả phải chăng vào năm 2030”.
Trong khi đó, Bộ trưởng Thương mại Mỹ Gina Raimondo nhận định rằng số tiền trên sẽ giúp khoảng 8,5 triệu hộ gia đình Mỹ được sử dụng Internet tốc độ cao một cách an toàn. Bà Raimondo cho hay, các tiểu bang có thể bắt đầu đệ trình kế hoạch xây dựng hệ thống Internet từ ngày 1/7 và nguồn vốn sẽ được chính phủ giải ngân “trong vài tháng tới”.
Phương Uyên (Theo Reuters và ABC News)