Cơ quan Nghiên cứu và Phát triển Y sinh (BARDA) – một cơ quan chính phủ phụ trách đối phó với đại dịch và khủng hoảng sinh học của Mỹ mới đây đã ký hợp đồng với công ty dược phẩm Đan Mạch Bavarian Nordic để mua vacccine Jynneos đông khô.
Hợp đồng có giá trị ban đầu 119 triệu USD, nhưng tổng giá trị có thể tăng thêm 180 triệu USD (lên tới 299 triệu USD) nếu Mỹ muốn mua thêm. Khi đó, số vacccine mà Mỹ nhận được sẽ là khoảng 13 triệu liều.
Hình ảnh kính hiển vi cho thấy các virus gây bệnh đậu mùa khỉ được thu thập từ mẫu da người. Ảnh: AP
Vacccine Jynneos được tạo ra để điều trị bệnh đậu mùa, nhưng đã được Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm (FDA) chấp thuận sử dụng để phòng bệnh đậu mùa khỉ vào năm 2019. Việc chuyển vacccine Jynneos sang dạng đông khô sẽ giúp kéo dài hạn sử dụng.
Tuy nhiên, Bavarian Nordic thông báo các lô hàng đầu tiên của 13 triệu liều vaccine Jynneos sẽ không được giao trước năm 2023. Toàn bộ 13 triệu vaccine sẽ được giao cho phía Mỹ trong khoảng thời gian giữa năm 2024 và 2025 trong trường hợp BARDA đồng ý gia hạn hợp đồng.
Ngoài vaccine, Chính phủ Mỹ cũng mua thêm các liều tecovirimat, một loại thuốc kháng virus điều trị bệnh đậu mùa ở khỉ, theo một hợp đồng trị giá 7,5 triệu USD với hãng dược phẩm Mỹ SIGA Technologies.
Một số ca mắc đậu mùa khỉ đã xuất hiện ở Anh, Canada, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Italy, Thụy Điển và Australia. Ngày 19/5, Bavarian Nordic thông báo họ cũng đã đạt được thỏa thuận mua vaccine đậu mùa với một quốc gia châu Âu nhưng không tiết lộ danh tính.
Trong khi đó, chính phủ Anh đã đặt hàng dự trữ bổ sung hàng nghìn lô vaccine đậu mùa. Nước này cũng đã triển khai tiêm loại vaccine này cho những người có thể đã tiếp xúc với virus đậu mùa khỉ. Ngoài 5.000 liều mà các cơ quan y tế Anh đang sở hữu, nước này đã đặt hàng thêm 20.000 liều nữa.
Bệnh đậu mùa khỉ thường lây lan từ động vật hoang dã ở một số khu vực nhiệt đới của châu Phi. Tuy nhiên, nó cũng có khả năng lây truyền từ động vật sang người. Giới khoa học chưa biết rõ loài nào là ổ chứa tự nhiên của virus gây bệnh đậu mùa khỉ. Trong khi đó, WHO phỏng đoán rằng đó có thể là loài gặm nhấm.
“Tiếp xúc với động vật sống và đã chết thông qua săn bắt, tiêu thụ thịt thú rừng hoặc thịt động vật hoang dã là những yếu tố nguy cơ”, WHO cảnh báo.
Thời gian ủ bệnh đậu mùa khỉ có thể kéo dài từ 6 đến 21 ngày. Biểu hiện ban đầu của bệnh là sốt, nhức đầu, đau nhức người, suy kiệt. Bệnh nhân bị phát ban, thường xuất hiện đầu tiên trên mặt và sau đó lan rộng ra các bộ phận khác của cơ thể và tạo thành vảy.
Dù vậy, theo Reuters, các nhà khoa học không cho rằng đợt bùng phát này sẽ tiến triển thành đại dịch như COVID-19 do loại virus này không lây lan dễ dàng như SARS-COV-2.
Ông Fabian Leendertz thuộc Viện Robert Koch cho rằng rất ít khả năng đợt dịch này kéo dài. Các ca bệnh có thể được cách ly tốt thông qua truy vết và các loại thuốc cũng như vaccine hiệu quả có thể được sử dụng nếu cần thiết.
Mộc Miên (T/h)