Người mắc bệnh huyết áp thấp hoặc có tiền sử huyết áp thấp
Mướp đắng có công dụng giảm huyết áp, hạ đường trong máu. Các nhà khoa học đã nghiên cứu và chứng minh tác dụng hạ đường huyết của thực phẩm này.
Charantin, Polypeptid-P và Vicine có trong mướp đắng giúp tạo ra tính hạ đường của nó. Cơ chế là làm giảm đường huyết, cải thiện sự dung nạp glucose.
Người mắc bệnh huyết áp thấp hoặc có tiền sử huyết áp thấp nên hạn chế ăn mướp đắng. Nếu ăn quá nhiều thì người bệnh có thể bị huyết áp thấp hơn gây hạ đường huyết, đau đầu, hoa mắt, chóng mặt rất nguy hiểm.
Phụ nữ mang thai, cho con bú
Mướp đắng rất ít chất xơ và quá ít chất béo, không phù hợp với chế độ dinh dưỡng của bà bầu và phụ nữ sau sinh. Chưa kể, ăn mướp đắng còn có thể gây giảm đường huyết. Chất vicine trong hạt mướp đắng là một độc tố có khả năng gây ra hội chứng cấp tính như nhức đầu, đau thắt bụng và hôn mê với người nhạy cảm.
Theo nghiên cứu của các nhà khoa học, mướp đắng có thể gây co thắt tử cung, xuất huyết và làm hư thai, dẫn đến sinh non. Ngoài ra, thực phẩm này còn có thể gây đột biến gen. Vì thế, phụ nữ có thai không nên sử dụng mướp đắng, nhất là khi mang thai ở giai đoạn đầu.
Trong mướp đắng có một số thành phần mang độc tính nhẹ có thể được truyền qua sữa mẹ, vậy nên phụ nữ đang cho con bú cũng không nên ăn. Độc tính này không gây ảnh hưởng ở người lớn nhưng lại có vấn đề với trẻ em nên cần thận trọng khi dùng.
Người bị bệnh gan, thận
Các nghiên cứu lâm sàng cho thấy, mướp đắng có thể độc hại cho tế bào gan ở động vật. Động vật sau khi được cho uống tinh chất mướp đắng có enzym gan tăng cao. Các chất trong mướp đắng có khả năng thay đổi hình dáng tế bào gan.
Như đã nói ở trên, hạt mướp đắng có chứa chất vicine - một loại độc tố gây ngộ độc tạo nên hội chứng cấp tính bao gồm nhức đầu, đau thắt bụng và hôn mê.
Nếu loại quả này được trồng trên những vùng đất bị nhiễm kim loại thì có thể bị nhiễm kim loại nặng và gây độc cho cơ thể khi ăn.
Những người bị bệnh gan, thận cần tránh ăn mướp đắng vì những độc tính của mướp đắng kể trên tác động trực tiếp vào gan, thận người sử dụng.
Người mắc bệnh tiêu hóa
Đối với người khỏe mạnh, ăn mướp đắng có thể kích thích tiêu hóa, làm tăng tiết men tiêu hóa. Tuy nhiên, những người có hệ tiêu hóa yếu thì không nên ăn để tránh nguy cơ bị tiêu chảy, lỵ hoặc một số bệnh ở dạ dày.
Người thiếu canxi
Do chứa nhiều axit oxalic nên mướp đắng có thể ngăn cản cơ thể hấp thụ canxi. Vậy nên, những người bị thiếu canxi như trẻ nhỏ, người già, người bị bệnh loãng xương... không nên ăn mướp đắng.
Bạn có thể loại bỏ bớt vị đắng và axit oxalic bằng cách luộc qua với nước. Tuy nhiên, bạn chú ý không nên ăn mướp đắng quá thường xuyên. Nguyên tắc cơ bản khi sử dụng thực phẩm là không nên lạm dụng. Ăn quá nhiều mướp đắng có thể khiến bạn bị tiêu chảy và gặp các vấn đề về dạ dày.
Trước và sau khi phẫu thuật
Theo các nghiên cứu, mướp đắng có thể cản trở quá trình kiểm soát đường huyết ở người, nhất là những người trước, trong hoặc sau ca phẫu thuật. Tốt nhất bạn nên ngừng ăn mướp đắng 2 tuần trước và sau khi lên bàn mổ để tránh bị ảnh hưởng tiêu cực.
Người mắc bệnh tiểu đường đang dùng thuốc
Mướp đắng có khả năng giảm lượng đường trong máu, ngăn ngừa nguy cơ mắc bệnh tiểu đường. Thế nhưng, nếu đang dùng thuốc để hạ thấp lượng đường thì ăn thêm mướp đắng có thể khiến mức đường trong máu xuống thấp hơn mức cho phép, không tốt cho sức khỏe.
Nếu bị bệnh tiểu đường nhưng vẫn muốn ăn mướp đắng, bạn nên sắp xếp thời gian xen kẽ giữa uống thuốc và ăn mướp đắng để bảo vệ sức khỏe.
Người bị bệnh thiếu men (enzyme) G6PD
Bệnh thiếu men là bệnh di truyền phổ biến do cơ thể không đủ men glucose-6-phosphate giúp tế bào hồng cầu hoạt động bình thường. Sau khi ăn mướp đắng, người bị bệnh này sẽ xuất hiện các triệu chứng thiếu máu, đau đầu, sốt, đau dạ dày, thậm chí bị hôn mê.
Đáng chú ý, độc tố vicine trong mướp đắng có khả năng gây ngộ độc tầm đậu (favism), một hội chứng cấp tính gây ra triệu chứng nhức đầu, đau thắt bụng và hôn mê.
Đinh Kim (T/h)